Kỷ niệm 64 năm Cách mạng Tháng tám, Quốc khánh 2-9 và 40 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ

Thế hệ trẻ TPHCM: Càng tự hào, càng nỗ lực cống hiến

Đúng ngày này của 64 năm về trước, tại Quảng trường Ba Đình, thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.
Thế hệ trẻ TPHCM: Càng tự hào, càng nỗ lực cống hiến

Đúng ngày này của 64 năm về trước, tại Quảng trường Ba Đình, thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.

Thế hệ trẻ TPHCM nghĩ gì về ngày lễ trọng đại này?

  • Thiêng liêng và ấm áp…
    (Phù Thi Phong, sinh viên năm 4, Khoa Tài chính - Doanh nghiệp, Đại học Kinh tế TPHCM)

Mỗi năm tới ngày này, nhìn cờ đỏ sao vàng khắp đường phố, cảm giác trong tôi thật hào hùng. Chưa từng được ra thăm Quảng trường Ba Đình lịch sử, cũng chưa bao giờ ra Hà Nội nhưng xem phim tài liệu, nghe được giọng nói trầm lắng, cương quyết của Bác, tôi cảm thấy ngày 2-9 này thật thiêng liêng và ấm áp.

Là một người trẻ, tôi nghĩ mình phải ra sức học tập, tiếp xúc với nhiều kiến thức, công nghệ mới để làm giàu cho chính mình và làm giàu cho quê hương. Tuy nhiên, không thể vì lo học tập mà quên tham gia những công tác xã hội bởi chính trong các hoạt động đó, những bạn trẻ mới hiểu được thế nào là tình người, thế nào là hai chữ “đồng bào” mà Bác thường nhắc nhở.

  • Hun đúc tinh thần trách nhiệm
    (Võ Thị Dương Liễu, Đội trưởng Đội thu thập - phân tích - xử lý thông tin, Chi cục Kiểm tra sau thông quan, Cục Hải quan TPHCM)

Từ nhỏ tôi đã được giáo dục là     phải biết ơn công lao của các bậc tiền bối, phải biết trân trọng những giá trị lịch sử của dân tộc. Tôi và các bạn bè của mình luôn ghi nhớ điều đó và cố gắng học tập, làm việc sao cho xứng đáng, không phụ lòng những thế hệ đi trước đã đổ bao xương máu cho nền độc lập, tự do của dân tộc. Chúng tôi được giáo dục, học hành bài bản trong cảnh hòa bình, có kiến thức, năng động, tự tin và có nhiều cơ hội để phát triển. Tuy nhiên, đáng tiếc là vẫn còn một số bạn trẻ chỉ quan tâm đến lợi ích cá nhân mà thiếu nhiệt tình trong các hoạt động xã hội, thờ ơ với lịch sử dân tộc mình…

Dịp 2-9 năm nay cũng là năm thứ ba cả nước thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Theo tôi, học theo Bác, thực hiện Di chúc thiêng liêng của Người, mỗi thanh niên phải thường xuyên hun đúc tinh thần trách nhiệm với Tổ quốc. Riêng bản thân tôi thì đóng góp cụ thể nhất cho đất nước là chuyên tâm làm thật tốt nhiệm vụ của mình ở Cục Hải quan TP nhằm tránh tình trạng gian lận thương mại, đặc biệt là phải học tập rèn luyện đạo đức để giữ bản thân khỏi những cám dỗ...

  • Giữ gìn, phát huy truyền thống dân tộc
    (Phan Thị Thanh Thảo, sinh viên năm 4, Khoa Đông phương  học, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM)

Nhìn thấy những thành tựu hôm nay của đất nước, một người trẻ tuổi như tôi cảm thấy tự hào và phấn khởi, lại càng nhớ công ơn các bậc tiền bối đã hy sinh cho Tổ quốc.

Tôi nghĩ rằng giới trẻ ngày nay, dù hội nhập thế nào, cũng nên giữ gìn, phát huy truyền thống, rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng để góp phần bảo vệ những thành quả mà đất nước hiện đang có. Với sinh viên chúng tôi, học tập và tham gia các hoạt động xã hội cũng là một cách đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Riêng với ngành của tôi là Đông phương học, hy vọng rằng, khi tốt nghiệp đại học, bằng vốn kiến thức từ giảng đường, tôi có thể góp phần quảng bá lịch sử, văn hóa và con người của Việt Nam đến với các nước lân cận, tạo điều kiện thu hút nhiều đầu tư hơn cho TPHCM và đất nước.

  • Không ai được thờ ơ với lịch sử
    (Trần Thị Hải Hằng, biên tập viên Trung tâm Truyền hình kỹ thuật số VTC tại TPHCM)

Tôi đã được nghe bố mẹ kể về những trận đánh, những chiến công đi vào lịch sử của quân và dân ta trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Có được những chiến công đó, là nhờ có Đảng, có Bác Hồ. Lớn lên, đi học rồi đi làm, tôi vẫn luôn giữ cho mình sở thích nghe “nhạc đỏ” và xem phim cách mạng. Mỗi lần nghe tiếng nhạc hào hùng của những bài ca ấy, tôi cứ thấy bừng bừng trong huyết quản…

Điều mà tôi trăn trở nhất chính là tình trạng một số bạn trẻ thờ ơ với lịch sử của dân tộc. Nhiều chương trình giao lưu, văn nghệ… có ý nghĩa giáo dục truyền thống đã bị lãng quên trong lòng bạn trẻ. Tôi nghĩ, là công dân của đất nước không ai có quyền thờ ơ với lịch sử hào hùng của dân tộc. Ngày 2-9 hàng năm, chính là dịp để ôn lại và hun đúc tinh thần trách nhiệm ấy.

Thạch Thảo - Ngọc Anh

Tin cùng chuyên mục