Việt Nam có 14 di sản văn hóa phi thể được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trong số đó, có 7 di sản sử dụng áo tứ thân, áo dài trong quá trình biểu diễn như: hát xoan, ca trù, dân ca quan họ, thực hành tín ngưỡng thờ mẫu tam phủ, nhã nhạc cung đình Huế, dân ca ví-giặm, đờn ca tài tử.
Bên cạnh thưởng thức chương trình nghệ thuật, du khách còn được trải nghiệm thú vị việc mặc thử các bộ áo tứ thân, áo dài truyền thống Việt Nam, nhận món quà đặc sản trầu têm cánh phượng để hiểu hơn về văn hóa Việt. Áo dài Exhibition cũng dự tính sẽ thiết kế một số món quà lưu niệm, ấn phẩm ý nghĩa để du khách đem về làm quà.
Bà Huỳnh Ngọc Vân, Giám đốc Áo dài Exhibition, chia sẻ: “Chương trình sẽ biểu diễn định kỳ hàng tuần vào các buổi chiều 3 ngày cuối tuần thứ sáu, thứ bảy và chủ nhật. Địa điểm biểu diễn ngay phố đi bộ Nguyễn Huệ nên sẽ thuận lợi đón chào công chúng TPHCM, du khách nội địa và du khách quốc tế đến thưởng thức. Với các đơn vị du lịch lữ hành có nhu cầu riêng, chúng tôi có thể tổ chức các buổi biểu diễn theo yêu cầu. Trong tương lai, để chương trình biểu diễn nghệ thuật phong phú và đa dạng hơn, chúng tôi sẽ mời các CLB thuộc Hội Di sản văn hóa TPHCM, các CLB ở các địa phương cùng tham gia, để các nghệ nhân có cơ hội trải nghiệm trình diễn phục vụ khách quốc tế, dĩ nhiên chúng tôi sẽ kiểm soát và chú trọng về nội dung và chất lượng nghệ thuật biểu diễn sao cho phù hợp, cô đọng, hấp dẫn, đặc sắc. Tiết mục biểu diễn được chọn lọc kỹ càng sao cho phải là tiết mục tiêu biểu nhất của từng loại hình di sản, có thể lưu lại trong lòng người nghe và tạo ấn tượng tốt đẹp về văn hóa dân tộc Việt Nam”.
Với các đơn vị tư nhân, khi khởi đầu bắt tay thực hiện một dự án văn hóa nghệ thuật cũng luôn gặp những khó khăn trở ngại nhất định. Chương trình Trình diễn di sản văn hóa phi vật thể cũng không ngoại lệ. Là chương trình thử nghiệm nên Áo dài Exhibition cũng thận trọng từng bước thực hiện, chỉnh sửa, nâng chất để khi đi vào hoạt động chính thức, trình diễn thường xuyên, sẽ tạo được sức hút với khán giả trong và ngoài nước. Với các nghệ nhân góp sức trong chương trình, ai cũng sẵn sàng hy sinh thời gian, công sức luyện tập, đầu tư cho các tiết mục trình diễn, nhận thù lao tượng trưng khiêm tốn. Tất cả cùng mong muốn chung tay lan tỏa ý nghĩa của chương trình sâu rộng hơn trong đời sống xã hội, cùng góp sức thúc đẩy hoạt động sân khấu du lịch phát triển, sau khi TPHCM mạnh mẽ vượt qua đại dịch.
Chương trình cũng có định hướng liên kết với một số trường đào tạo chuyên ngành du lịch để tổ chức biểu diễn phục vụ sinh viên ngành du lịch, giúp các bạn sinh viên được trang bị tốt hơn những kiến thức quý về các loại hình sinh hoạt nghệ thuật di sản độc đáo của Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp, trực tiếp làm nghề, các bạn trẻ có thể góp sức quảng bá cho văn hóa dân tộc Việt Nam đến du khách quốc tế. |