Thêm gánh nặng cho doanh nghiệp

Bộ TN-MT vừa tổ chức hội thảo lấy ý kiến về quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu để xây dựng dự thảo Nghị định thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Đã có nhiều ý kiến trái chiều từ phía các doanh nghiệp (DN), chuyên gia môi trường xung quanh đề xuất này.

Bất cập đối tượng, khoản phí phải đóng

Theo Vụ pháp chế (Bộ TN-MT), Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 có quy định trách nhiệm thu hồi sản phẩm thải bỏ nhưng không theo tỷ lệ nhất định. Điều này trong Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 dự kiến sẽ quy định chi tiết việc mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất và nhập khẩu. Trong đó, có 2 trách nhiệm là tái chế và hỗ trợ xử lý sản phẩm bao bì, chất thải. 

Đánh giá về vấn đề này, PGS.TS Phùng Chí Sỹ, Giám đốc Trung tâm Công nghệ và Môi trường nói, dự thảo quy định đối tượng áp dụng trong nghị định này là các sản phẩm thải bỏ như ắc quy và pin, thiết bị điện và điện tử, dầu nhớt các loại, vỏ xe, ruột xe, phương tiện giao thông và các loại bao bì giấy, kim loại, thủy tinh, nhựa phế thải có giá trị tái chế.

Tuy nhiên, khái niệm bao bì rất rộng, đa dạng về kích thước, chủng loại và thành phần vật chất, nên cần phải phân biệt rõ đối tượng bao bì nào sẽ thuộc đối tượng quản lý của nghị định này, tránh trùng lắp, chồng chéo giữa các quy định về quản lý chất thải và phế liệu. 

Bên cạnh đó, về giải pháp tái chế cũng cần phải bổ sung, chỉnh sửa cho phù hợp với thực tế. Như đối với các thiết bị điện và điện tử thì biện pháp sửa chữa, phục hồi, thay thế linh kiện, phụ tùng để tái sử dụng là một trong các biện pháp phổ biến hiện nay tại Việt Nam và trên thế giới.

Thậm chí, tại các nước phát triển như Nhật Bản, Công ty Anchor Network Japan có 4 nhà máy sửa chữa, phục hồi, thay thế linh kiện để tái sử dụng các thiết bị điện tử, máy tính, mobile phone... Ngoài ra, còn có rất nhiều biện pháp thu hồi tái chế kim loại quý từ các bản mạch điện tử hay đối với bao bì cao su, nhựa. 

Việc tính toán, quy định tỷ lệ tái chế bắt buộc, tỷ lệ tái chế thực tế, hệ số thải bỏ sản phẩm bao bì, hệ số thu gom sản phẩm, bao bì phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau với từng loại thiết bị, từng loại bao bì, từng loại vật liệu làm ra bao bì; phụ thuộc vào thị trường tái chế, công nghệ tái chế. Vì vậy không thể áp dụng công thức cứng nhắc chung cho tất cả mà chưa tính toán được mức độ tái chế từng loại chất thải trong thực tế. 

Thêm gánh nặng cho doanh nghiệp ảnh 1 Sử dụng rác tái chế để sản xuất giấy cuộn, phục vụ in ấn bao bì, góp phần bảo vệ môi trường tại Công ty TNHH Giấy Chánh Dương. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Một yếu tố vấp phải nhiều ý kiến phản biện nhất của DN là quy định về việc đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam. Cũng theo PGS.TS Phùng Chí Sỹ, trong dự thảo nghị định, Bộ TN-MT kiến nghị các DN sẽ phải đóng góp tài chính nhất định vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam tùy theo tỷ lệ thải bỏ của từng loại sản phẩm, bao bì. Số tiền này sẽ không được chuyển vào ngân sách nhà nước mà hoạt động theo nguyên tắc của quỹ.

Theo các DN, việc đóng góp kinh phí này chưa rõ ràng. Nếu chỉ quy định về đóng góp, hỗ trợ thì không thể bắt buộc nhà sản xuất, nhập khẩu thực hiện, mà tùy tâm họ có thể tham gia đóng góp hoặc không, có thể đóng góp nhiều hoặc ít. Trong khi đó, Bộ TN-MT lại đề xuất, nếu DN không đóng tiền, không có giấy chứng nhận của bộ, sẽ không được thông quan hàng hóa nhập khẩu!

Hơn nữa, việc xác định định mức chi phí phải đóng phụ thuộc rất nhiều vào công nghệ tái chế đối với từng loại sản phẩm, bao bì và phụ thuộc vào giá cả thị trường nguyên vật liệu, điện, nước tiêu thụ phục vụ cho quá trình tái chế. Vì vậy, quy định công thức tính sẽ gây khó khăn, tranh cãi trong quá trình thực hiện. Ngoài ra, trong dự thảo nghị định chưa làm rõ khi nhà sản xuất, nhập khẩu chọn những phương án trực tiếp tái chế, xử lý sản phẩm, bao bì thải bỏ hay thuê đơn vị chức năng xử lý, tái chế thì có phải đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam hay không.

Gồng mình với phí

Dự thảo nghị định quy định hình thức cưỡng chế việc không đóng góp tài chính là đề nghị cơ quan thuế hoặc cơ quan hải quan xử lý hoặc thanh tra, kiểm tra xử phạt vi phạm hành chính. Theo nhiều chuyên gia môi trường, không thể ép các nhà sản xuất, nhập khẩu đóng góp tài chính để hỗ trợ tái chế được vì như trình bày ở trên, đây không phải là hình thức bắt buộc. 

Ở góc độ khác, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM cho rằng, hiện liên quan đến lĩnh vực môi trường, DN đã phải đóng ký quỹ nhập khẩu nguyên liệu thì không thể đóng thêm phí hỗ trợ xử lý, tái chế chất thải cho Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam.

Chưa kể, trong tình hình chung hiện nay, các DN đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất. Có thể kể đến là nguy cơ bị “chết đột ngột” vì có công nhân mắc Covid-19, áp lực do giá nguyên liệu sản xuất tăng từ 20% - 300% tùy loại, chi phí xét nghiệm Covid-19 và gần đây nhất là tăng giá xăng dầu và phí hạ tầng cảng biển… 

Theo báo cáo của Tổng Cục thống kê, trung bình mỗi tháng, cả nước có hơn 10.000 DN phải rời bỏ thị trường, ngừng hoặc tạm ngừng sản xuất. Do vậy, trong lúc này, việc thêm gánh nặng sẽ khiến DN quá sức chịu đựng.

Tin cùng chuyên mục