Thêm nhiều giải pháp phòng chống lũ

Mới đây, Hệ thống chỉ dẫn về lũ quét Nam Á (FFGS Nam Á) đã chính thức ra mắt, mở ra triển vọng cải thiện các cảnh báo sớm đối với một hiểm họa thiên nhiên lớn ở một trong những khu vực đông dân nhất thế giới. 

FFGS Nam Á hiện đang cung cấp những hướng dẫn và dự báo lũ quét hiệu quả cho gần 1,6 tỷ người khu vực bao gồm Bhutan, Bangladesh, Ấn Độ, Nepal và Sri Lanka. 

FFGS Nam Á được tài trợ bởi Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ/Cục Hỗ trợ nhân đạo (USAID/BHA) và được do Tổ chức Khí tượng thế giới và Trung tâm Nghiên cứu thủy văn (HRC) thực hiện. Đây là một phần của FFGS toàn cầu, hiện cung cấp cảnh báo sớm cho 3 tỷ người, chiếm 40% dân số thế giới, của trên 60 quốc gia.

Cơ chế hoạt động của FFGS như một phương thức tự động được thiết lập thông tin khi có lũ quét với các bên liên quan cùng với việc sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội, để thông tin đến các cơ quan quản lý thiên tai một cách kịp thời. Mức độ cảnh báo có thể được phát đi trước 6 giờ và mức độ rủi ro là trước 24 giờ. Điều này sẽ cho phép tất cả các nước thành viên đưa ra dự báo dựa trên tác động, ở cấp lưu vực và cấp thành phố, về lũ quét rất đột ngột và trong thời gian ngắn, giúp giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.

Cũng để ngăn lũ, theo các nhà nghiên cứu của Đại học Plymouth (Anh), tại 4 địa điểm thử nghiệm cho thấy có thể cải thiện đáng kể các đặc tính của đất chỉ trong vòng 15 năm kể từ khi cây được trồng. Ở những vùng đất có rừng trồng mới, khả năng hút nước của đất gần như gấp đôi vùng không có cây cối. Các sườn đồi dốc ở rìa các khu vực nương rẫy là vị trí hiệu quả nhất để trồng cây như một công cụ phòng chống lũ lụt hiệu quả.

Tại các khu vực đô thị, ngăn ngừa lũ lụt bao gồm quy hoạch đô thị, xây dựng tường chắn biển thích hợp và thực hành xây dựng nhà phù hợp. Như ở Hà Lan, hệ thống Deltaworks là một trong những hệ thống chống lũ toàn diện nhất trên thế giới, xuất phát từ việc nước này nằm gần như hoàn toàn dưới mực nước biển.

Một điểm đáng chú ý trong Deltaworks là Maeslantkering, hay còn được gọi là rào cản xung kích bão Maeslant. Rào cản này được hoàn thành vào năm 1997 và ngày nay nó vẫn là một trong những cấu trúc chuyển động lớn nhất trên thế giới. Khi nước dâng lên ở khu vực xung quanh, các cảm biến sẽ kích hoạt các bức tường đóng lại và các bể chứa nước sẽ đầy dọc theo tấm chắn. Trọng lượng nước này làm cho các bức tường đẩy mạnh xuống nền, giữ cho nước không xâm nhập vào các cống.

Còn ở Mỹ, Công ty Opti đã sử dụng phần mềm quản lý dữ liệu để lập bản đồ và tối ưu hóa hệ thống thoát nước mưa của các thành phố. Công ty khởi nghiệp này thúc đẩy công nghệ lập bản đồ để dự đoán vị trí lũ lụt sẽ xảy ra trong toàn thành phố, cho phép các nhà quy hoạch thành phố biết chính xác hơn vị trí xây dựng các ao trữ nước và các hệ thống quản lý lũ lụt khác. Công ty Opti hiện đã điều hành chống ngập tại hơn 130 thành phố trên khắp nước Mỹ, giúp giảm thiểu tác động của các trận ngập lụt.

Tin cùng chuyên mục