Thêm phần bất lợi

Sự ra đi của Bộ trưởng Nội vụ Amber Rudd được dự báo sẽ khiến Chính phủ Anh lâm vào một cuộc khủng hoảng mới.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Anh Amber Rudd vừa xin từ chức. Ảnh: REUTERS
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Anh Amber Rudd vừa xin từ chức. Ảnh: REUTERS

 Đây là vụ từ chức thứ 5 trong nội các Anh chỉ trong 10 tháng qua, kể từ sau cuộc bầu cử sớm tháng 6 năm ngoái. Xét tỷ lệ thì đã có tới trên 20% quan chức nội các của Thủ tướng Theresa May từ chức từ thời điểm đó đến nay, gây ra sự xáo trộn nhân sự không nhỏ đối với nước Anh.

Nhưng cho đến thời điểm này, vụ từ chức của bà Amber Rudd được đánh giá là nghiêm trọng nhất, bởi bà là một trong những nhân vật có tiếng nói quan trọng trong Đảng Bảo thủ và là một trong số rất ít thành viên Đảng Bảo thủ bước qua cuộc bầu cử sớm năm ngoái mà vị thế không bị ảnh hưởng. Do vậy, việc bà Amber Rudd từ chức còn là một điều bất lợi đối với tương lai của Đảng Bảo thủ.

Bà Amber Rudd, cùng với Bộ trưởng Tài chính Anh Phillip Hammond, là những người dẫn đầu phe ủng hộ ở lại Liên minh châu Âu (EU) trong nội các Anh. Do vậy, việc bà Rudd từ chức có thể đe dọa cán cân quyền lực cả ở nội các lẫn trong Đảng Bảo thủ cầm quyền vốn do những người theo chủ trương rời EU giữ quan điểm thủ cựu chiếm đa số. Bà Rudd rời khỏi vị trí Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng gây ảnh hưởng lớn đến nhóm nghị sĩ ủng hộ Anh ở lại EU, bởi bà Rudd trên thực tế là người lên tiếng mạnh mẽ nhất trong nội các trong việc kêu gọi nước Anh ở lại Liên minh hải quan.

Bà Amber Rudd còn được ví như “bức tường lửa” giữa bà Theresa May và các chính sách mà Thủ tướng Anh đã theo đuổi từ khi còn là Bộ trưởng Nội vụ Anh. “Bức tường lửa” bị dỡ bỏ khiến cá nhân bà Theresa May phải trực tiếp đương đầu với vụ bê bối Windrush, liên quan đến việc đối xử với những người di cư từ vùng Caribbean tới Anh. Những người này ở Anh trong nhiều thập niên nhưng vì nhiều lý do họ không được cấp giấy tờ hợp lệ.

Ngay sau khi thông tin Bộ trưởng Nội vụ từ chức, tâm điểm dư luận tập trung vào Thủ tướng. Phe chỉ trích cho rằng lại thêm một thành viên nữa phải ra đi để bảo vệ  vị trí cho Thủ tướng. Với cam kết đảm bảo một chính phủ ổn định và vững mạnh khi nhậm chức, Thủ tướng Theresa May lại được cho là đang dẫn dắt một trong những chính phủ không ổn định nhất ở thời kỳ hiện đại. Chỉ sau một năm đàm phán Brexit, tương lai cụ thể của nước Anh vẫn chưa được định hình, với những mâu thuẫn từ chính trong nội bộ Đảng Bảo thủ của Thủ tướng Anh.

Sau vụ từ chức của bà Amber Rudd, Thủ tướng Theresa May còn đón nhận một thông tin gây thêm bất lợi cho tiến trình Brexit, đó là sự kiện Thượng viện Anh bỏ phiếu thông qua điều khoản cho phép Quốc hội ngăn cản hoặc trì hoãn tiến trình Brexit nếu chính phủ không đạt được thỏa thuận cuối cùng về vấn đề này với phía EU. Bày tỏ sự thất vọng, bà May cho rằng Thượng viện đã giáng đòn mạnh vào dự luật rút khỏi EU và cản trở chính phủ trong các cuộc thương lượng với Brussels.

Trong khi đó, kết quả một cuộc thăm dò dư luận công bố mới đây cho thấy sự tin tưởng về giai đoạn cuối của tiến trình đàm phán Brexit của Anh tiếp tục giảm. Theo kết quả thăm dò dư luận do báo Guardian và ICM tiến hành, chỉ có 28% số người được hỏi cho rằng các cuộc đàm phán Brexit có thể kết thúc với kết quả hài lòng so với 47% nghĩ ngược lại.

Tin cùng chuyên mục