Theo dõi sát diễn biến giá dầu để có đối sách phù hợp

• Nợ đọng thuế vẫn còn cao, tình trạng trốn lậu thuế vẫn diễn ra phức tạp
Theo dõi sát diễn biến giá dầu để có đối sách phù hợp

• Nợ đọng thuế vẫn còn cao, tình trạng trốn lậu thuế vẫn diễn ra phức tạp

(SGGPO).- Tại phiên họp toàn thể của Quốc hội chiều 20-10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2015; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2016.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo trước Quốc hội

Tiếp đó, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách (TCNS) của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo thẩm tra về vấn đề này.

Cơ cấu thu thay đổi

Theo Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển, Ủy ban TCNS cơ bản nhất trí với đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2015 của Chính phủ và cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế trong nước đã có bước phục hồi tích cực, tổng thu NSNN năm 2015 ước vượt dự toán 16.400 tỷ đồng (tăng 1,8% so dự toán và tăng 7,4% so ước thực hiện 2014) là kết quả đáng ghi nhận, thể hiện sự quyết liệt trong điều hành của Chính phủ, tinh thần trách nhiệm cao, nỗ lực, cố gắng hoàn thành vượt dự toán được giao của các bộ, ngành trung ương và địa phương.

Mặc dù đạt được kết quả khả quan, song cơ quan thẩm tra nhận định, cơ cấu thu đã có những thay đổi, thu nội địa ngày càng chiếm vị trí chủ yếu, thu từ dầu thô và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm mạnh, mức độ huy động vào NSNN từ GDP qua thuế, phí có xu thế giảm so với giai đoạn trước.

Đáng lưu ý, thu từ dầu, khí hụt lớn so với dự toán. Trong bối cảnh giá dấu thế giới sụt giảm sâu (ước cả năm giảm trên 43USD/thùng so với giá tính dự toán), dẫn đến số hụt thu từ dầu thô và các khoản thu khác do giảm giá dầu là 63.000 tỷ đồng. Đây là mức hụt thu lớn, ảnh hưởng đến cân đối ngân sách trung ương, ủy ban TCNS nhất trí với Chính phủ dự kiến giá dầu thanh toán bình quân 3 tháng cuối năm chỉ ở mức 50 USD/thùng, nhưng đề nghị Chính phủ chỉ đạo theo dõi sát diễn biến của giá dầu để có đối sách phù hợp, nhằm phát triền kinh tế trong nước bù hụt thu, tận dụng việc giảm giá dầu thành cơ hội để phát triển sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước.

Tính toán bù hụt thu 

 Công tác quản lý và thu thuế năm 2015 được nhìn nhận là có nhiều tiến bộ, cải cách thủ tục hành chính đã được đổi mới toàn diện và đồng bộ hơn, công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm đã được thực hiện tích cực. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ đọng thuế vẫn còn cao, tình trạng trốn lậu thuế vẫn diễn ra phức tạp. Nếu có các giải pháp tích cực, quyết liệt hơn thì kết quả thu NSNN năm 2015 có thể sẽ cao hơn dự kiến.

“Ủy ban TCNS cho rằng, mặc dù tổng thu NSNN năm 2015 ước vượt dự toán 16.400 tỷ đồng, nhưng tăng thu chủ yếu của NSĐP, còn NSTW lại hụt thu. Do vậy, Chính phủ cần tính toán các giải pháp để bù hụt thu, đảm bảo cân đối NSNN”, ông Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.

 Đánh giá công tác chi NSNN năm 2015 “nhìn chung đã đảm bảo thực hiện đúng Nghị quyết của Quốc hội, tiết kiệm chi khá tích cực, hạn chế ban hành chính sách mới làm tăng chi, giảm nợ đọng xây dựng cơ bản khá lớn, ước thực hiện dự toán chi NSNN tăng thấp so với dự toán”, song cơ quan thẩm tra đã chỉ ra 3 nhược điểm quan trọng trong công tác này.

Đó là tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN, vốn TPCP của một số bộ, ngành và nhiều địa phương chưa đảm bảo tiến độ. Một số địa phương có nhiều khoản chi chính sách, chế độ đã có trong dự toán nhưng NSNN còn nợ, cấp vốn chậm, dẫn đến các địa phương có nguồn thu ngân sách thấp gặp nhiều khó khăn khi triển khai thực hiện. Đặc biệt, vẫn tồn tại tình trạng chấp hành kỷ luật tài chính chưa nghiêm, một số khoản chi NSNN vượt dự toán, chi tiêu chưa thực sự tiết kiệm triệt để như quy định tại Nghị quyết của Quốc hội; một số định mức chi ngân sách còn lạc hậu, chưa được sủa đổi, bố sung. Trong đó, chi sự nghiệp kinh tế là nhiệm vụ chi có ý nghĩa quan trọng nhưng còn bố trí vốn thấp, phân bổ dàn trải, hiệu quả chưa cao.

Bội chi khó giữ ở mức 5%

Đây là nhận định của cơ quan thẩm tra. Theo người đứng đầu Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Chính phủ trình bội chi NSNN trong phạm vi dự toán được Quốc hội quyết định 226.000 tỷ đồng, bằng 5,0%GDP. Theo đó, mức dư nợ công đến hết năm 2015 khoảng 61,3%GDP, trong giới hạn an toàn cho phép (65%GDP). Song kết quả giám sát cho thấy, mức giải ngân vốn ODA trong năm 2015 sẽ vượt mức dự toán đã được Quốc hội quyết định; một số khoản đã chi mà chưa có nguồn bù đắp như nợ cấp bù chênh lệch lãi suất đối với Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam... Mặt khác, nợ công, cùng với vấn đề vay và trả nợ đã trở nên khó khăn hơn, áp lực trả nợ và vay đảo nợ trong ngắn hạn ngày một lớn, đề nghị Chính phủ cần có giải pháp tích cực để thực hiện tốt chiến lược nợ công và đảm bảo an ninh tài chính quốc gia. Ủy ban đề nghị Chính phủ rà soát, báo cáo cụ thể các số liệu giải ngân vốn ODA và các khoản nợ của Nhà nước để phản ánh sát số bội chi NSNN và nợ công, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.

 Về đề nghị cho phép phát hành đa dạng hóa các kỳ hạn TPCP để bù đắp bội chi, Ủy ban cơ bản tán thành, nhưng đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn về thực trạng công tác huy động vốn và giải pháp tháo gỡ, đồng thời phải bảo đảm quản lý và sử dụng nợ công chặt chẽ, an toàn, hiệu quả.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục