Thi “chui”

người đẹp Oanh Yến đối diện mức phạt lên đến 30 triệu đồng sau khi tham gia và đoạt danh hiệu hoa hậu tại cuộc thi “Mr and Ms Pancontinental” (Hoa hậu và Nam vương thế giới toàn cầu) diễn ra tại Philippines mà chưa xin phép cơ quan chức năng Việt Nam, đang được dư luận quan tâm mấy ngày qua

Vụ người đẹp Oanh Yến đối diện mức phạt lên đến 30 triệu đồng sau khi tham gia và đoạt danh hiệu hoa hậu tại cuộc thi “Mr and Ms Pancontinental” (Hoa hậu và Nam vương thế giới toàn cầu) diễn ra tại Philippines mà chưa xin phép cơ quan chức năng Việt Nam, đang được dư luận quan tâm mấy ngày qua.

Sau hàng loạt những lời nói cứng khi trao đổi với báo chí trong nước về án phạt do “thi chui”, người đẹp Oanh Yến đã… suy nghĩ lại và mong Cục Nghệ thuật biểu diễn sẽ “giơ cao đánh khẽ”. Người đẹp trên cũng mong muốn cơ quan cấp phép sẽ nới lỏng quy định, thủ tục đăng ký thi hoa hậu, để các người đẹp có cơ hội tham gia các cuộc thi nhan sắc vừa và nhỏ khác, chứ không bị ràng buộc nhiều thứ như hiện nay. Oanh Yến không phải trường hợp đầu tiên bị phạt tiền vì thi “chui”.

Việc đi thi nhưng không xin phép, rõ ràng đã sai quy định. Có ý kiến cho rằng, khi đặt chân đi thi, tức người đẹp đã đại diện cho hình ảnh của một quốc gia và điều đó phải được sự cho phép của cơ quan chức năng, không thể như đi “chợ”, ai muốn đi cũng được.

Tuy nhiên, cần xét trên nhiều yếu tố khi định danh cái sai để xử phạt. Trước hết, cuộc thi tầm “Mr and Ms Pancontinental” là cuộc thi nhỏ, hầu như không được dư luận quốc tế quan tâm. Thậm chí còn có ý kiến cho rằng, đây là cuộc thi tầm “ao làng”, vô thưởng vô phạt. Và nếu chỉ là cuộc thi nhỏ, người đẹp Việt Nam có nhất thiết phải làm thủ tục cấp phép (vốn không hề đơn giản và tốn thời gian) với cơ quan cấp bộ thay vì một cấp thấp hơn, đỡ tốn thời gian và công sức hơn. Mới đây, tại hội thảo về Luật Nghệ thuật biểu diễn, có ý kiến cho rằng, ngoài những cuộc thi sắc đẹp quốc tế lớn như Hoa hậu Thế giới, Hoa hậu Hoàn vũ… cần sự cấp phép của cơ quan quản lý cao nhất; những cuộc thi cấp thấp hơn chỉ cần có sự cho phép của cấp sở VH-TT địa phương, nơi cư trú của người đẹp. Chỉ cần qua kiểm tra về nhân thân, đạo đức nghề nghiệp và sắc vóc, cơ quan cấp địa phương hoàn toàn có đủ cơ sở để cấp phép đi thi các cuộc thi sắc đẹp cấp vừa và nhỏ. Ý kiến trên khá hợp lý với quan điểm cho rằng, cần tạo điều kiện để người đẹp Việt Nam vươn cao và vươn xa.

Ở một khía cạnh khác, khi người đẹp Oanh Yến một mình đi thi, được sự thừa nhận của ban giám khảo và đoạt giải thưởng cao nhất, cũng phần nào đó, đem một chút niềm vui cho người dân Việt Nam. Do vậy, việc xử lý “hậu” đi thi cần hợp tình, hợp lý, cũng là việc cần làm của cơ quan chức năng. Vì xét trên một lý lẽ nào đó, việc làm này không gây ảnh hưởng đến hình ảnh của Việt Nam tại cuộc thi, nếu không muốn nói là ngược lại.

Nghị định 79/2012/NĐ-CP “Quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu” có quy định, mỗi tỉnh thành một năm có một cuộc thi sắc đẹp. Nếu ai đoạt một trong ba danh hiệu cao nhất ở cuộc thi cấp tỉnh, là có thể đi thi ở nước ngoài. Trường hợp những người đẹp “thi chui” nằm ngoài quy định trên. Nên chăng chỉ nên quy định công dân Việt Nam muốn tham dự các cuộc thi sắc đẹp cần phải tuân thủ đầy đủ các quy định đối với công dân Việt Nam khi đi ra nước ngoài. Ngoài ra, cần có thư mời của ban tổ chức cuộc thi hay xác nhận của địa phương về nhân thân của người được mời. Và quan trọng nhất, việc thời gian làm thủ tục cũng như nhận hồi đáp từ cơ quan chức năng phải rút ngắn nhất có thể.

Chúng ta không cổ xúy cho việc “thi chui” nhưng giá như những quy định bấy lâu bớt làm khó nhau, cũng như phân cấp quản lý, chắc chắn sẽ không còn cảnh người đẹp Việt, dù có tiếng mang về ngôi vị hoa hậu nhưng vẫn là “hoa hậu chui”.

HỒNG MINH

Tin cùng chuyên mục