Chiều 22-4, tại Hà Nội, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã tổ chức họp báo công bố quy chế, thể lệ cuộc thi “Hát thính phòng - nhạc kịch lần thứ 4-2009” sẽ được tổ chức tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam từ ngày 24 đến 29-4 tới. Mặc dù cuộc thi đã cận kề, nhưng ngay sau khi quy chế được công bố thì rất nhiều bất cập đã được phát hiện.
Theo ban tổ chức, cuộc thi nhằm khuyến khích, động viên, tôn vinh các tài năng trẻ, các nghệ sĩ có nhiều tâm huyết và công sức tìm tòi, sáng tạo trong biểu diễn. Đây cũng là cơ hội để các nghệ sĩ thể hiện tài năng và chuẩn bị điều kiện để tham gia các cuộc thi quốc tế. Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam Đỗ Hồng Quân thì nếu như không phải do thiếu sót trong việc xây dựng quy chế thì ở đây có thái độ nhìn nhận chưa đúng về nhạc thính phòng và nhạc kịch.
Theo ông Quân, cuộc thi ngoài mục đích tôn vinh những giọng ca đẹp, chuyên nghiệp, còn là dịp đề cao những tác phẩm âm nhạc đích thực của Việt Nam. Song trong toàn bộ quy chế, không hề có một từ nào nhắc tới aria hay romance Việt Nam mà chỉ có yêu cầu bắt buộc thí sinh hát ca khúc Việt Nam.
Tại sao trong nội dung dự thi bắt buộc các thí sinh phải trình bài aria của các nhạc sĩ TK 17, 18 trở về trước (vòng 1) và TK 18, 19, 20 (vòng 2), một romance cổ điển, hiện đại hoặc đương đại nước ngoài mà không phải là một aria hay romance của Việt Nam? Tại sao các tác phẩm Việt Nam trong phần thi chỉ là các ca khúc? Phải chăng là Việt Nam không có aria, hay romance?
Ông Quân đã khẳng định điều ngược lại bằng việc đưa ra hàng chục aria, romance rất đáng tự hào của Việt Nam như aria Cô Sao viết năm 1965 và Người tạc tượng viết năm 1974 của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, Bông sen trắng của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, Bên bờ sông K’rông Pa của nhạc sĩ Nhật Lai…; Tình ca của nhạc sĩ Hoàng Việt là một điển hình của thể loại romance…
Ngoài ra, theo quy chế của cuộc thi, tuổi của thí sinh tham dự sẽ từ 18-36, bởi lẽ theo giải thích thì đây là lứa tuổi đã nắm vững kỹ thuật và có “độ chín” nhất định khi biểu diễn các tác phẩm được coi là “đỉnh cao” của thanh nhạc. Tuy nhiên, theo thông báo của Cục Nghệ thuật biểu diễn hiện có 46 thí sinh đăng ký dự thi, nhưng đã có tới 37 thí sinh thuộc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Nhạc viện TPHCM, Đại học VHNT Quân đội… khiến một số ý kiến lo ngại cuộc thi sẽ trở thành lễ báo cáo tốt nghiệp giữa thầy và trò.
Cuộc thi sắp bắt đầu, nếu có sửa sai thì cũng đã không còn kịp và một lần nữa, các tác phẩm thính phòng mang giá trị nghệ thuật cao của Việt Nam lại gần như không có cơ hội xuất hiện trong một cuộc thi mang tính nghệ thuật chuyên nghiệp cao như thế này.
VĨNH XUÂN