Thi tốt nghiệp THPT năm học 2010-2011: Vận dụng kiến thức cuộc sống vào bài thi môn Địa

Năm thứ ba liên tiếp, môn Địa lại có mặt trong danh sách các môn thi tốt nghiệp THPT. Nhằm giúp các thí sinh ôn thi và đạt kết quả tốt trong môn thi này, ông Mai Phú Thanh, chuyên viên môn Địa, Sở GD-ĐT TPHCM, lưu ý thí sinh phải từ bỏ thói quen học thuộc lòng và chú trọng việc vận dụng kiến thức, kỹ năng vì “cấu trúc đề thi tốt nghiệp năm nay đã quy định 50% là vận dụng kiến thức”.

Năm thứ ba liên tiếp, môn Địa lại có mặt trong danh sách các môn thi tốt nghiệp THPT. Nhằm giúp các thí sinh ôn thi và đạt kết quả tốt trong môn thi này, ông Mai Phú Thanh, chuyên viên môn Địa, Sở GD-ĐT TPHCM, lưu ý thí sinh phải từ bỏ thói quen học thuộc lòng và chú trọng việc vận dụng kiến thức, kỹ năng vì “cấu trúc đề thi tốt nghiệp năm nay đã quy định 50% là vận dụng kiến thức”.

° PV: Theo dõi đề thi tốt nghiệp môn Địa trong nhiều năm qua, ông thấy xu hướng ra đề thi như thế nào?

° Ông Mai Phú Thanh: Từ năm học 2008 - 2009 có chuyển đổi trong cấu trúc đề thi, cụ thể là cách đặt các câu hỏi thi chuyển từ thuộc lòng từng chương sang cách hỏi vận dụng kiến thức. Phần bảng số liệu thống kê không còn đơn thuần hỏi tăng giảm hoặc vẽ biểu đồ rồi giải thích như trước mà đi sâu vào kỹ năng tính toán, phân tích số liệu để rút ra nhận xét, sau đó mới giải thích. Học sinh quen với cách thi cũ sẽ không thích ứng kịp và làm bài không đạt kết quả cao.

Các câu hỏi thi tốt nghiệp THPT không phải câu hỏi lớn (mỗi câu là một phần bài học như trước đây) mà mỗi câu là một hệ thống câu hỏi nhỏ liên hoàn có mối quan hệ với nhau và nằm ở nhiều phần khác nhau, thậm chí có phần thuộc về kiến thức cuộc sống của học sinh. Nên vận dụng kiến thức mới vào bài thi chứ không phải thuộc lòng kiến thức.

Vẽ biểu đồ cũng là một vấn đề khi hiện nay với một bảng số liệu có nhiều cách vẽ biểu đồ khác nhau. Tùy theo câu hỏi đi kèm theo bảng số liệu, học sinh mới có thể vẽ đúng biểu đồ phù hợp. Cấu trúc bảng số liệu hiện nay cũng thay đổi theo hướng có thể phân tích nhiều hướng khác nhau, nên tùy theo câu hỏi đi kèm, học sinh phải biết rút ra nhận xét và lựa chọn kiến thức giải thích nguyên nhân cho phù hợp.

Cách đặt câu hỏi hiện nay, nhìn chung rất đơn giản, mỗi câu đều tạo điều kiện cho học sinh tận dụng tối đa kiến thức, kỹ năng và vốn sống của mình để làm tốt bài thi. Tuy nhiên, nếu học sinh không nắm vững kiến thức rất dễ đi sa đà vào “mô tả văn học hoặc mô tả thời sự” vừa mất thời gian, vừa tốn công sức mà kết quả vẫn thấp.

Cần lưu ý, mỗi câu chỉ cần mất 0,25 điểm thì việc đạt điểm 5 đối với học sinh trở nên rất khó.

° Vậy học sinh cần phải lưu ý gì khi ôn tập môn Địa mới có thể đạt kết quả cao trong kỳ thi sắp tới?

° Để đạt kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2010 - 2011, học sinh cần nắm vững các kiến thức trong sách giáo khoa, biết liên hệ các kiến thức để trả lời chính xác yêu cầu các câu hỏi, không trả lời thuộc lòng máy móc để tránh lạc đề. Kiến thức sách giáo khoa khi trình bày một vấn đề thường lặp đi lặp lại ở nhiều bài khác nhau, nhưng nội dung có sự khác nhau cho phù hợp với yêu cầu của mỗi bài học. Đây là thuận lợi khi ôn tập vì học sinh mau nắm vững kiến thức của bài, thấy mối quan hệ kiến thức giữa các bài, nhưng coi chừng trả lời lạc đề khi lấy kiến thức bài này để trả lời câu hỏi đặt ra cho bài khác.

Học sinh cần bình tĩnh coi lại đề thi để nắm vững yêu cầu kiến thức và kỹ năng quy định trong từng câu. Sau đó, viết dàn ý rồi mới làm bài. Diễn đạt ngắn gọn, súc tích và giải quyết đúng yêu cầu trong câu hỏi của đề thi. Tránh suy diễn theo ý mình mà không có cơ sở khoa học.

Quan trọng nhất không phải viết đủ kiến thức mình đã thuộc mà phải viết đúng yêu cầu kiến thức quy định trong hướng dẫn chấm đề thi (do đó không lập dàn ý tóm tắt, học sinh sẽ không làm đủ yêu cầu quy định trong đáp án). Riêng phần kỹ năng, học sinh cần hiểu cách phân tích các bảng số liệu trong sách giáo khoa để có thể làm tốt các câu hỏi kỹ năng.

Lưu ý, các bài tập số liệu trong sách giáo khoa, trong hướng dẫn ôn tập chỉ là các bài tập mẫu để học sinh làm quen, tính đúng, phân tích đúng, giải thích đúng và hình thành cho mình phương pháp phân tích bảng số liệu thống kê, chứ không phải là bài thi mẫu phải học thuộc lòng.

NGUYỄN THỦY (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục