Thị trường bán lẻ Việt Nam: Các “đại gia” nước ngoài sẽ chiếm lĩnh?

80% DN bán lẻ rồi đây sẽ phá sản?
Thị trường bán lẻ Việt Nam: Các “đại gia” nước ngoài sẽ chiếm lĩnh?

“Lo lắng” là tâm trạng chung của hầu hết các nhà bán lẻ trong nước trước thời điểm năm 2009 – khi doanh nghiệp bán lẻ 100% vốn nước ngoài được phép thành lập tại Việt Nam. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, các nhà bán lẻ Việt Nam vẫn chưa có chiến lược, định hướng kinh doanh rõ ràng  và hầu hết còn thiếu tính chuyên nghiệp. Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh Đinh Thị Mỹ Loan đã nhận định như vậy tại diễn đàn các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, ngày 21-9.

80% DN bán lẻ rồi đây sẽ phá sản?

Thị trường bán lẻ Việt Nam: Các “đại gia” nước ngoài sẽ chiếm lĩnh? ảnh 1

Một trong những cửa hàng bán lẻ của Vissan ở TPHCM. Ảnh: THÀNH TÂM

Nhận định của Ban Giám sát và Quản lý cạnh tranh (Cục Quản lý Cạnh tranh) cho thấy hiện các nhà bán lẻ nước ngoài đã chiếm khoảng 10% thị phần bán lẻ Việt Nam.

Nhưng, trên thực tế đã có nhiều tập đoàn bán lẻ lớn của nước ngoài đang bắt đầu “làm mưa, làm gió” trên thị trường tiêu dùng trong nước. Như hệ thống 8 đại siêu thị của tập đoàn Metro Cash&Carry (Đức) trong toàn quốc đang kinh doanh bán buôn bán lẻ 15.000 mặt hàng các loại với giá thấp hơn các siêu thị trong nước 10 - 15%,  cùng với các đại gia khác như  Bourbon (Pháp), Parkson (Malaysia) đã “hốt” từ tay các doanh nghiệp kinh doanh hệ thống siêu thị gần 60% lượng khách hàng.

Sắp tới sẽ có nhiều tập đoàn kinh doanh bán lẻ lớn của nước ngoài vào Việt Nam, như Dairy Farm (Singapore), Lotte (Hàn Quốc) và một số tập đoàn của Mỹ đang làm thủ tục xin cấp phép kinh doanh bán lẻ tại Việt Nam. Ôâng Phạm Đình Đoàn, Tổng Giám đốc Tập đoàn Phú Thái chỉ ra một viễn cảnh không mấy tươi sáng: nếu Tập đoàn Wal Mart (Mỹ) vào Việt Nam khoảng 10 chuỗi cửa hàng thì tương lai sẽ có tới 80% doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam phá sản!

Nhưng điều đáng nói là trong khi các “đại gia” phân phối của nước ngoài đang âm thầm “đổ bộ” vào Việt Nam thì các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam vẫn chưa có chiến lược, định hướng kinh doanh rõ ràng  và hầu hết còn thiếu tính chuyên nghiệp. Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội chỉ ra một yếu kém điển hình của hệ thống bán lẻ Việt Nam, đó là thiếu sự gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ, đặc biệt là chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm rất kém, nguồn cung hàng hóa không ổn định.

Trông chờ vào “cây đũa thần” Nhà nước

Thị trường bán lẻ Việt Nam: Các “đại gia” nước ngoài sẽ chiếm lĩnh? ảnh 2
Khách mua thực phẩm tươi sống ở hệ thống Co.op mart, một trong những hệ thống bán lẻ uy tín. Ảnh: THÀNH TÂM

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Tổng Giám đốc Saigon Co.op nhận định: cuộc chiến trên thị trường bán lẻ sẽ rất gay gắt và không cân sức giữa các “đại gia” nước ngoài và các nhà bán lẻ trong nước. Bởi các tập đoàn kinh tế quốc tế có kinh nghiệm, nguồn vốn phong phú và mối quan hệ toàn cầu đồng thời họ còn hưởng nhiều chính sách ưu đãi đầu tư của Việt Nam như thuế, giá thuê đất...

Trong khi đó các nhà bán lẻ của Việt Nam mới manh nha phát triển, nguồn vốn còn hạn hẹp, kinh nghiệm quản lý thiếu và yếu. Các nhà bán lẻ Việt Nam “đau đầu” nhất là cuộc cạnh tranh về giá bởi các “đại gia” nước ngoài có thể chịu lỗ đến... 10 năm để hạ giá thành sản phẩm một cách tối đa (nếu được) nhằm chiếm lĩnh thị trường và tạo thương hiệu.

Vì vậy, nhiều doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam cho rằng, để có thể giữ được thị phần và cạnh tranh được với doanh nghiệp nước ngoài, vai trò điều tiết của Nhà nước được xem như “cây đũa thần”. Đó là tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước tiếp cận với đất đai (nhất là những vị trí đắc địa) và một số chính sách ưu đãi khác. Ông Nguyễn Ngọc Hòa cũng đề nghị, Nhà nước cần có một quy hoạch mạng lưới bán lẻ, trong đó phải chỉ rõ, từ 3-5 năm tới, ở tầm vĩ mô, chúng ta sẽ có những siêu thị, trung tâm thương mại ở đâu, vị trí nào…

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú, theo những cam kết hội nhập, sẽ không có sự phân biệt giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. “Vì vậy, chúng ta không thể đáp ứng được nguyện vọng, tuy rằng chính đáng của các doanh nghiệp trong nước rằng Nhà nước sẽ có sự hỗ trợ đặc biệt cho họ. Sự ủng hộ của nhà nước là thông qua xây dựng chính sách, xây dựng cơ chế, làm sao cho cơ chế phù hợp với cam kết WTO lại vừa phù hợp với thực tế Việt Nam. Còn tất cả những đề xuất những ưu đãi cụ thể riêng biệt cho doanh nghiệp Việt Nam hiện nay không còn được thực hiện nữa” – Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú nhấn mạnh.

Việt Lan

Tin cùng chuyên mục