Thị trường bất động sản: Nỗi lo khủng hoảng niềm tin

Sau hàng loạt sự cố xảy ra tại các dự án chung cư, đất nền trong thời gian gần đây, người mua nhà, đất bắt đầu thận trọng. Đầu ra của thị trường chựng lại, nhiều doanh nghiệp (DN) đối diện khó khăn. Thị trường bất động sản có nguy cơ rơi vào chu kỳ khủng hoảng mới.
Thị trường bất động sản: Nỗi lo khủng hoảng niềm tin

Sau hàng loạt sự cố xảy ra tại các dự án chung cư, đất nền trong thời gian gần đây, người mua nhà, đất bắt đầu thận trọng. Đầu ra của thị trường chựng lại, nhiều doanh nghiệp (DN) đối diện khó khăn. Thị trường bất động sản có nguy cơ rơi vào chu kỳ khủng hoảng mới.

Dự án 348 Trịnh Đình Trọng (Tân Phú) từ nhiều năm nay vẫn bị “trùm mền”

Tác động dây chuyền

Ngày 12-5-2016, ông Phạm Thanh Hải ký hợp đồng đặt cọc hơn 159 triệu đồng cho chủ đầu tư là Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Sài Gòn để mua căn hộ D-2610 tại dự án Centa Park (đường Đồng Đen, quận Tân Bình). Trước đó, ông Hải cũng đã chuyển tiền cho Công ty cổ phần Thanh Niên (Thanh Niên Land) - đồng chủ đầu tư dự án Centa Park - số tiền cọc 50 triệu đồng để mua căn hộ nói trên. Như vậy, tổng số tiền mà ông Hải đã đặt cọc là 209 triệu đồng. Tuy nhiên, khi chuẩn bị đóng tiền đợt kế tiếp thì “bùng” ra sự cố tại dự án Harmona (đường Trương Công Định, quận Tân Bình) mà Thanh Niên Land là một trong hai đơn vị làm chủ đầu tư dự án. Ông Hải cho biết, sau sự cố Harmona, ông quyết định không mua căn hộ này nữa và xin lấy lại tiền nhưng chưa được giải quyết. Tương tự, một khách hàng khác cũng mua căn hộ tại Centa Park, lo lắng xin rút lại tiền nhưng vẫn chưa được.

Ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch Hưng Thịnh Corp, cũng cho biết sau sự cố tại dự án chung cư Bảy Hiền Tower và Harmona, tiến độ bán hàng của Hưng Thịnh Corp bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Khách hàng trở nên dè dặt hơn, có người tới lui hàng chục lần để tìm hiểu chủ đầu tư triển khai có đúng tiến độ không, có ra “sổ hồng” cho khách hàng như cam kết trong hợp đồng không, sau đó mới quyết định mua hay không.

Tưởng chừng sau cuộc sàng lọc ở cơn khủng hoảng 2009-2013, thị trường bất động sản chỉ còn lại những DN mạnh mẽ, uy tín và loại bỏ những dự án dở dang. Nhưng sau vụ Bảy Hiền Tower và Harmona, khách mua nhà lại bị “bóng ma” rủi ro ám ảnh trở lại. Không ít dự án trùm mền từ cơn khủng hoảng trước vẫn còn kéo dài đến tận hôm nay. Mới đây, hàng trăm khách hàng mua căn hộ tại dự án 584 Tân Kiên (Bình Chánh) tiếp tục khiếu nại đến cơ quan chức năng nhờ can thiệp. Khách hàng cho biết họ mua nhà từ năm 2008 và đóng tiền hơn 90% giá trị căn hộ, nhưng đến nay vẫn chưa được giao nhà. Hàng trăm khách hàng mua căn hộ tại dự án 584 Lilama SHB tại 348 Trịnh Đình Trọng (quận Tân Phú) cũng vừa gửi đơn kêu cứu đến cơ quan chức năng. Vì họ đã mua nhà tại dự án này từ nhiều năm trước (lúc đó ký hợp đồng mua bán với chủ đầu tư là Công ty Lilama SHB, đến năm 2013 dự án chuyển nhượng cho Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng công trình giao thông 584), nhưng đến nay dự án chỉ xây xong phần thô và “bất động”. Những dự án làm ăn không đàng hoàng này đang làm mất niềm tin, có nguy cơ đưa thị trường bất động sản trở lại cơn khủng hoảng mới.

Vực dậy niềm tin từ... chính sách?

Theo nhiều chuyên gia, trong bối cảnh thị trường hiện nay, để tránh rủi ro, người mua nhà nên chọn những chủ đầu tư đã được khẳng định tên tuổi trên thị trường trong giai đoạn khó khăn, đồng thời tìm hiểu kỹ những dự án đã đầu tư trước đó có làm đúng cam kết với khách hàng hay không, cụ thể về tiến độ, chất lượng, thời gian cấp giấy chủ quyền cho khách hàng sau khi bàn giao nhà...

Tại buổi làm việc mới đây giữa Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng với cộng đồng DN đầu tư kinh doanh bất động sản, nhiều vấn đề rất cũ lại được xới lên. Điều này cho thấy, nhiều bất cập trong chính sách liên quan đến thị trường bất động sản được DN “kêu” từ rất lâu nhưng chậm sửa chữa. Đó chính là niềm tin bị xói mòn. Riêng việc thẩm định giá đất để DN đóng tiền sử dụng đất theo quy định mới mất quá nhiều thời gian, đã được phản ánh nhiều nhưng hiện nay vẫn chưa có chuyển biến gì. Tại buổi làm việc, có DN phản ánh nộp hồ sơ 18 tháng nhưng vẫn chưa thẩm định xong. Thậm chí ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM, còn đề nghị trở lại quy trình thẩm định giá đất như cũ, chỉ cần một sở thay vì hai sở như hiện nay cho rút gọn thời gian. Hàng loạt bức xúc về thủ tục hành chính, hoàn thuế... gây khó khăn cho DN, cản trở thị trường phát triển cũng được phản ánh tại buổi làm việc.

Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng khẳng định bất động sản có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển của TP. Phải tạo điều kiện cho DN làm ăn, thị trường phát triển. Về thủ tục, ông nhấn mạnh “cái nào bỏ được thì bỏ, giảm được thì giảm, đừng để gây khó khăn cho DN”. Tuy nhiên, không ít DN vẫn tỏ ra hoài nghi sự chuyển biến từ thực tế. Bởi những vấn đề mà DN phản ánh đã quá nhiều và quá cũ, nhưng vẫn cứ như cũ. Nhiều ý kiến cho rằng, để thị trường bất động sản phát triển bền vững cần có niềm tin từ nhiều phía, đây là động lực quan trọng để thị trường tiếp tục phát triển và cần phải xây dựng ngay.

Thị trường bất động sản sau vài năm hồi sinh tạo khí thế mới cho DN, nhà đầu tư, nay lại đang đối mặt với khó khăn, trong đó có nguyên nhân từ DN và từ sự trì trệ, chậm tháo gỡ từ chính sách. Nếu những bất cập trên không tháo gỡ kịp thời, bất động sản rơi vào cơn suy thoái mới là điều khó tránh khỏi, bởi mất niềm tin từ nhiều phía.

ĐỖ TRÀ GIANG

Tin cùng chuyên mục