Thị trường chứng khoán thế giới: Lên rồi lại xuống

° Nhật Bản bơm khẩn cấp 39 tỷ USD

° Nhật Bản bơm khẩn cấp 39 tỷ USD

Ngày 9-10, thị trường chứng khoán (TTCK) các nước châu Âu mở cửa phiên giao dịch với các chỉ số có nhích lên chút đỉnh. Chỉ số CAC ở TTCK Paris tăng 2,70%; chỉ số Footsie ở London cũng tăng 1,48% so với lúc đóng cửa phiên giao dịch ngày 8-10. Tại TTCK Frankfurt, chỉ số DAX tăng 0,81% sau khi sụt 6% vào ngày hôm trước. Chỉ số RTS ở Nga tăng 5,39% ở TTCK Mátxcơva. Tuy nhiên, sau một ngày “xanh”, các TTCK châu Âu đến cuối ngày lại lần lượt  “đỏ”. Ở Paris, CAC mất 1,55% vào lúc đóng cửa, London mất 1,21%, Frankfurt mất 2,53%, Zurich mất tới 4,52%. Ở Mỹ, chỉ số Dow Jones cũng giảm 0,93% trong khi Nasdaq mất 0,47%. Còn tại châu Á, Tokyo sụt 0,5%. Bù lại, TTCK Hongkong kết thúc với việc tăng thêm 3,31%.

Nhật Bản, Australia bơm tiền vào thị trường, AIG được thêm tiền

Ngày 9-10, để ổn định TTCK, Ngân hàng Nhà nước Nhật Bản (BoJ) tuyên bố “bơm” số tiền kỷ lục 4.000 tỷ yên (khoảng 39 tỷ USD) vào thị trường tiền tệ trong chiến dịch khẩn cấp nhằm tạo điều kiện cho các hoạt động vay liên ngân hàng. Trước đó, BoJ đã bơm 2.000 tỷ yên vào buổi sáng, nhưng nhận thấy tình hình không có dấu hiệu cải thiện rõ rệt nên đã quyết định bơm thêm 2.000 tỷ yên vào đầu giờ chiều. Tương tự, Ngân hàng Trung ương Australia cũng thông báo bơm khoảng 2,3 tỷ USD vào hệ thống ngân hàng nước này.

Ở Mỹ, sau khi Quốc hội tiến hành phiên điều trần về hoạt động của Tập đoàn Bảo hiểm lớn nhất thế giới American International Group Inc. (AIG), Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tuyên bố cấp khoản vay mới trị giá 37,8 tỷ USD cho tập đoàn này. Theo FED, khoản vay này là cần thiết để AIG thanh toán nợ cho các đối tác.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Henry Paulson dự đoán có khả năng thêm nhiều công ty tài chính tại Mỹ sẽ phá sản vì kế hoạch 700 tỷ USD được đưa ra nhằm cứu vớt thị trường tài chính trong cơn khủng hoảng khi 1 ngân hàng bị vỡ nợ, chứ không nhằm bảo vệ lợi ích riêng của từng tập đoàn tài chính. Còn Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ sụt giảm mạnh trong năm 2008 và 2009, và kinh tế Mỹ nhiều khả năng sẽ rơi vào suy thoái.

Số người truy cập các website tài chính tăng kỷ lục

Cuộc khủng hoảng tài chính ngày càng loang rộng trên toàn cầu đã khiến người người “đổ xô” vào mạng để truy cập những thông tin mới nhất về tiền tệ cũng như học hỏi kinh nghiệm thu hồi các khoản đầu tư và tiết kiệm chi phí sinh hoạt. Số lượng truy cập vào các chuyên mục kinh doanh của “Wall Street Journal” và chuyên mục kinh tế của Yahoo Finance đã lên con số kỷ lục khi Quốc hội Mỹ phải vật lộn với kế hoạch trị giá 700 tỷ USD cứu nguy thị trường tài chính Mỹ.

Số lần truy cập vào trang web www.gasbuddy.com, chuyên trang hướng dẫn lái xe tới các trạm bơm xăng có giá rẻ hơn ở Mỹ, đã tăng gần 30%. Hoạt động của chuyên mục hỏi đáp trực tuyến trên trang web Yahoo Finance tăng 40%. Tại đây, mọi người có thể trao đổi thông tin về mọi chủ đề liên quan đến tài chính, trong khi đó, các bản tin tài chính của chương trình thời sự Tech Ticker phát trực tuyến cũng thu hút hàng triệu khán giả hàng ngày.

L.Vân (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục