VN-Index tăng trên 45% so với năm 2016, vượt đỉnh 10 năm kể từ sau thời kỳ khủng hoảng 2007 và trở thành một trong những thị trường có mức tăng trưởng cao nhất thế giới. Nền tảng này, cùng với các yếu tố vĩ mô, trong năm 2018 dự báo sẽ tiếp tục xu hướng tích cực.
Tiếp tục hút vốn ngoại
TTCK bứt phá trong năm qua với VN-Index vượt 980 điểm có dấu ấn không nhỏ từ nguồn tiền dồi dào của khối ngoại đổ vào thị trường. Thống kê từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, trong năm 2017, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng kỷ lục hơn 26.000 tỷ đồng. Kịch bản TTCK 2018 được không ít chuyên gia cũng như nhà đầu tư dự đoán, VN-Index sẽ vượt qua đỉnh lịch sử 1.170 điểm vào năm 2007.
Kịch bản này được đưa ra dựa trên bối cảnh kinh tế vĩ mô đang vận động theo chiều hướng tích cực và khá vững, nên sẽ hỗ trợ TTCK năm 2018 tiếp nối đà sôi động của năm 2017. Theo phân tích của các chuyên gia trong ngành, tăng trưởng GDP cũng như tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp (DN) niêm yết nội địa năm 2018 được dự báo cao hơn phần lớn các nước trong khu vực, các đợt thoái vốn nhà nước, IPO DN nhà nước và niêm yết các DN lớn, có chất lượng trong năm 2018 sẽ tiếp tục thu hút mạnh các dòng vốn tham gia thị trường, nhất là dòng vốn đầu tư gián tiếp từ các quỹ đầu tư trên thế giới.
Ngoài các DN có nhiều lợi thế như DN nhà nước đang trong quá trình IPO, thoái vốn, thì những DN làm ăn tốt, chủ động thực hiện minh bạch thông tin và hoạt động quan hệ nhà đầu tư (IR) cũng sẽ thu hút được dòng vốn khối ngoại.
Theo đánh giá của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, khả năng hấp thụ vốn gián tiếp của thị trường vốn đã được cải thiện mạnh nhờ quy mô thị trường gia tăng, cùng với niềm tin của nhà đầu tư vào quyết tâm cải cách của Chính phủ. Trong năm 2018, các biện pháp cải cách quyết liệt của Chính phủ sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả. Cộng với các điều kiện thuận lợi là nhiều đầu tàu kinh tế thế giới như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu đều tăng trưởng khả quan. Lĩnh vực dầu khí và khai khoáng có thể thoát đáy khi giá dầu đang có xu hướng hồi phục, sẽ tiếp tục hỗ trợ TTCK hút mạnh các dòng vốn đầu tư. Ngoài ra, cơ sở để cho rằng TTCK Việt Nam trong năm tới sẽ tiếp tục hút vốn ngoại, đại diện cơ quan này cũng cho biết, ngoài bệ đỡ là tăng trưởng kinh tế, cũng như yếu tố vĩ mô tiếp tục có thêm những diễn biến tích cực mới, còn nhờ mặt bằng giá cổ phiếu hiện tương đối hấp dẫn. Mức P/E bình quân là 17,5 lần, thấp hơn 16% so với mức P/E bình quân của các TTCK khu vực.
Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cho biết dù mới được xếp hạng ở thị trường cận biên nhưng TTCK Việt Nam đang có sự phát triển vượt bậc, thể hiện sức hấp dẫn ngày càng tăng của thị trường vốn - TTCK Việt Nam với hơn 1,8 triệu tài khoản giao dịch đã được mở; trong đó có trên 21.000 tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài và 45 quỹ đầu tư (đa số là quỹ ngoại). Theo ông Dũng, hiện TTCK đã thực sự trở thành một kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế và có cơ cấu ngày càng vững chắc, hoàn thiện. Các DN trong nước đang hướng tới nâng cao năng lực quản trị, minh bạch tài chính với nhà đầu tư.
“Điểm sáng” từ các thương vụ thoái vốn
Ông Trần Văn Dũng nhận định: “TTCK 2017 tăng trưởng bền vững hơn nhiều so với thời điểm 2006-2007, cả về dòng vốn và nền tảng kinh tế vĩ mô. Do đó, hoàn toàn có thể lạc quan về TTCK năm 2018 phát triển bền vững, tiếp tục thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước”.
Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, vốn hóa thị trường đến cuối năm 2017 đạt gần 3.360 ngàn tỷ đồng, tương đương hơn 74,6% GDP, vượt chỉ tiêu đặt ra cho năm 2020. Trong năm 2018, TTCK Việt Nam sẽ đón nhận thêm nhiều “hàng hóa” chất lượng từ các DN lớn niêm yết trên sàn, có thể đóng góp thêm hàng tỷ USD cho giá trị vốn hóa thị trường, như: HDBank, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Tổng công ty Điện lực dầu khí (PV Power), Công nghiệp Xi măng Việt Nam… Trong đó, sau khi đã lỗi hẹn trong năm 2017, 3 DN lớn dự kiến sẽ tiến hành IPO ngay từ đầu năm 2018 là BSR, PV Oil và PV Power. Đây là những phiên IPO được giới đầu tư rất quan tâm, bởi quy mô rất lớn và sẽ tác động nhất định đến TTCK.
Nhận định về TTCK, ông Lê Hải Trà, Phụ trách HĐQT Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE), cho rằng mặc dù vốn hóa của TTCK Việt Nam đang nhỏ nhất so với các nước trong khu vực (như Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Phillippines), nhưng TTCK Việt Nam đang sở hữu “mỏ vàng” riêng: Năm 2018 là năm cao điểm của các đợt thoái vốn nhà nước tại hàng loạt các DN lớn, nên sẽ tiếp tục là lực đẩy cho thanh khoản của TTCK. Làn sóng thoái vốn mạnh mẽ của DN nhà nước sẽ là “điểm sáng” cho TTCK trong năm 2018.
Thực tế cho thấy, 2 thương vụ lớn mà Nhà nước thoái vốn thành công từ Vinamilk và Sabeco đã góp phần tác động tích cực đến TTCK năm 2017. Qua đó đã chuyển tải thông điệp rõ ràng tới nhà đầu tư về quyết tâm tái cấu trúc nền kinh tế của Việt Nam. Và điều này được nhận định là yếu tố hết sức quan trọng củng cố niềm tin và sự quan tâm của các tổ chức đầu tư quốc tế lớn đối với TTCK Việt Nam.
Rõ ràng, TTCK Việt Nam đang có những tín hiệu đáng mừng, đặc biệt là sự phát triển ngày càng bền vững. Những nền tảng và cơ sở trên sẽ góp phần vẽ ra một bức tranh tươi sáng cho năm 2018 của TTCK.
Trong năm 2018, TTCK Việt Nam tiếp tục đón nhận nhiều thương vụ thoái vốn lớn khác. Cụ thể theo lộ trình, Nhà nước sẽ bán tiếp 24,86% vốn tại Petrolimex với giá trị 18.667 tỷ đồng; bán 20% vốn tại Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho Aéroports de Paris (Pháp) theo dạng đối tác chiến lược, với giá trị lên đến 37.665 tỷ đồng; 57,92% vốn tại Tổng công ty Thép Việt Nam (VnSteel) khoảng 2.900 tỷ đồng; 52,47% vốn tại Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM); 40,5% vốn tại Tổng công ty Xây dựng số 1 (CC1) khoảng 800 tỷ đồng; 20,62% vốn tại Tổng công ty Viglacera khoảng 2.163 tỷ đồng; 65% vốn tại Tổng công ty Dược Việt Nam (Vinapharm); 53,48% vốn tại Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex)…