
Theo ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), trong năm 2009, UBCKNN vẫn sẽ tập trung vào các giải pháp dài hạn nhằm hỗ trợ sự phát triển của thị trường chứng khoán (TTCK) như tái cấu trúc thị trường, minh bạch, nâng cao chất lượng phát hành… Còn thị trường có phục hồi trong thời gian trước mắt hay không chủ yếu phục thuộc vào kinh tế vĩ mô.
Nhiều cơ hội
Ông Bằng cũng cho rằng, TTCK hiện vẫn đang chịu những tác động và thách thức. Ở góc độ quốc tế, dù Tổng thống Hoa Kỳ mới nhậm chức, nhưng nhà đầu tư vẫn còn nhiều lo lắng vào tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, vào tình hình hoạt động của các ngân hàng, của các tổ chức tài chính. Điều này sẽ quyết định tình hình thị trường cũng như những gói giải pháp đưa ra.

Thị trường chứng khoán giảm, nhà đầu tư lo âu. Ảnh: Vĩnh Hùng
Những tác động của thế giới như trên vẫn đang có những ảnh hưởng đối với tâm lý nhà đầu tư. Bên cạnh đó, nhà đầu tư đang nghe ngóng, chờ đợi kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết.
Một số báo cáo tài chính quý 4-2008 mà một số doanh nghiệp đưa ra không được tốt cũng tác động đến thị trường. “Tuy nhiên, tôi cho rằng trong năm nay nếu thị trường tiếp tục sụt giảm thì cũng không quá lớn như trong năm 2008. Chúng ta đã trải qua những sự sụt giảm rất lớn, sức bền bỉ cũng rất cao. Và nay trong sự điều chỉnh của thị trường cũng có những cơ hội để chúng ta đầu tư, phát triển”, ông Bằng nhấn mạnh.
Cũng theo ông, hiện nay cũng có những so sánh về P/E (chỉ số giá trên lợi nhuận) của Việt Nam với các nước, nhưng đó cũng chỉ là tương đối vì Việt Nam là một thị trường trẻ, nền kinh tế trẻ và nhiều cơ hội phát triển. Các nước khác cung - cầu bão hòa, nhu cầu về cơ sở hạ tầng, nhà ở, đường sá,… không nhiều và do nền kinh tế họ đã khai phá, phát triển cả chiều rộng, chiều sâu.
Hiện Chính phủ đã có những giải pháp cơ bản để ổn định kinh tế vĩ mô, thực thi các giải pháp rất cụ thể, tình hình chính trị - xã hội ổn định, dự trữ ngoại hối của Việt Nam tương đối tốt, các doanh nghiệp cũng đã có những điều chỉnh, đối sách thích ứng thị trường. Việt Nam cũng có thế mạnh của một nền kinh tế trẻ, một thị trường trẻ và vẫn còn những cơ hội để phát triển trong tương lai.
Theo nhận định của người đứng đầu cơ quan quản lý về TTCK, những dấu hiệu cho thấy khả năng hồi phục của kinh tế cũng như chứng khoán là từ sự hồi phục của kinh tế thế giới, thị trường tài chính thế giới. Nếu nền kinh tế và thị trường tài chính thế giới ngừng giai đoạn đi xuống, chuyển sang giai đoạn đi ngang thì đó là tín hiệu tích cực đầu tiên. Sau đó là sự hồi phục của những nền kinh tế trẻ, đặc biệt là các nền kinh tế khu vực châu Á có thể tạo tín hiệu để nền kinh tế Việt Nam hồi phục.
Vượt qua thử thách để phát triển tốt hơn
Theo UBCKNN, đối với các công ty chứng khoán (CTCK), việc thâu tóm, sáp nhập trong bối cảnh hiện nay cũng là bình thường. Chính trong những điều chỉnh như vậy sẽ tạo cho khối kinh doanh sẽ mạnh hơn, tốt hơn trước đây.
Về hành lang pháp lý cho việc thâu tóm, sáp nhập hay phá sản của công ty chứng khoán, theo UBCKNN, 6 tháng trước đây, cơ quan này đã chuẩn bị khi thị trường bắt đầu khó khăn dựa trên nghiên cứu thực tế, ý kiến của một số chuyên gia có kinh nghiệm, nghiên cứu một số thị trường trên thế giới… Trước mắt, cơ quan này sẽ sớm có thông tư hướng dẫn về phá sản; lên các phương án xử lý các trường hợp thâu tóm, sáp nhập, UBCKNN cũng sẽ hỗ trợ CTCK trong việc tăng vốn, chuyển đổi cơ cấu sở hữu, tái cấu trúc công ty.
Với những nhóm khó khăn, không thể vượt qua được thì cơ quan quản lý cũng nắm bắt, theo sát để lập các đội phản ứng nhanh, trong đó có đại diện của các phòng ban chức năng để khi có vấn đề sẽ xử lý ngay vấn đề tài khoản khách hàng, xử lý những khó khăn về tài chính, đưa ra những hướng giải quyết để giảm thiểu tối đa tác động chung đến thị trường.
Đối với kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết năm 2008, ông Bằng nhận định chắc chắn sẽ nhiều khó khăn do khó khăn chung của kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, các công ty niêm yết có trình độ quản trị cao hơn, khuôn khổ pháp lý tốt hơn và minh bạch hơn nên khả năng chống đỡ tốt hơn nhiều doanh nghiệp khác.
“Tôi nghĩ thua lỗ trong bối cảnh khó khăn đó là bình thường, vấn đề là các công ty có được chiến lược vượt qua khó khăn, từ đó tạo ra cấu trúc mới để hoạt động tốt hơn”, ông Bằng nói.
Theo UBCKNN, tính đến thời điểm tháng 12-2008, giá trị danh mục nhà đầu tư nước ngoài trên TTCK còn khoảng 4,6 tỷ USD (giảm 4 tỷ USD so với thời điểm đầu năm 2008). Trong khoảng 4,6 tỷ USD có 2/3 là quỹ đóng nắm giữ nên khả năng giải thể, thanh lý khó. |
HÀ MY