Thị trường chứng khoán “xanh vỏ đỏ lòng”

Thị trường chứng khoán Việt Nam từ đầu năm đến nay tăng mạnh, VN-Index đã tăng hơn 26% so với cuối năm 2016 và vẫn liên tục chinh phục các đỉnh cao mới, đạt 845,2 điểm trong ngày 30-10. 
 
Tuy nhiên, dòng tiền chỉ tập trung vào một số mã cổ phiếu có vốn hóa  lớn mà không lan tỏa trên toàn thị trường, cho thấy thị trường đang “xanh vỏ đỏ lòng”. Chỉ số liên tục tăng nhưng niềm vui không đến cho tất cả nhà đầu tư. 

Thị trường chứng khoán “xanh vỏ đỏ lòng” ảnh 1 Nhà đầu tư tại một công ty chứng khoán. Ảnh: CAO THĂNG
 Chỉ số tăng không bền vững

Theo dõi thị trường nhiều phiên giao dịch thời gian gần đây cho thấy, điểm số tăng mạnh nhưng hàng loạt cổ phiếu giảm giá hoặc không tăng được bao nhiêu, tuy nhiên khi chốt phiên thị trường vẫn đột biến tăng. VN-Index tăng chủ yếu do các mã vốn hóa lớn tăng điểm mạnh và không tạo sự lan tỏa ra thị trường. Cụ thể, dòng tiền rất tập trung ở một số mã cổ phiếu vốn hóa lớn như ROS, VCB, SAB, VIC, BID, VJC mà không đi theo nhóm ngành nào cụ thể. Hiện tượng chỉ vài cổ phiếu trụ kéo cả thị trường đã khá quen thuộc với nhà đầu tư, nên họ nhận ra rằng sự tăng điểm này không bền vững mà chỉ làm đẹp chỉ số. Sự sợ hãi bắt đầu lan tỏa nên nhiều phiên gần đây, thị trường chứng kiến cảnh bán tháo trên cả hai sàn. Trong đó, các mã cổ phiếu bất động sản như như HBC, QCG… đã bị giảm sàn và “trắng” bên mua. 

Các chuyên gia cho biết, việc phân tích các chỉ số lúc này gần như không có tác dụng, vì thực ra chỉ số chỉ còn bó gọn trong một vài cổ phiếu thao túng. Dòng tiền cũng không còn tác dụng đối với chỉ số vì không phản ánh được giao dịch trong trạng thái bình thường. Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc Chi nhánh Sài Gòn của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Quân đội (MBS), cho rằng các nhà đầu tư hiện đang thận trọng với hiện tượng “xanh vỏ đỏ lòng”. Do đó, việc đánh giá sự bền vững của chỉ số trong ngắn hạn chỉ mang tính tương đối. Với trung và dài hạn thì thị trường vẫn còn tiềm năng tăng trưởng.

Kết quả kinh doanh quý 3 dần được các doanh nghiệp (DN) công bố với nhiều tín hiệu tích cực. Trong số 471 DN đã công bố kết quả, có đến 433 DN báo lãi, 38 DN báo lỗ. Tổng lợi nhuận sau thuế lũy kế 9 tháng tăng 25,44% so với cùng kỳ 2016. Trong đó, ngành tài chính, dầu khí và bất động sản đạt mức tăng trưởng cao nhất, thế nhưng cổ phiếu các ngành này cũng lao dốc không phanh.

Thị trường méo mó  và nguy hiểm 


Đánh giá diễn biến thị trường hiện nay, ông Barry Wesblatt, Giám đốc Nghiên cứu của Công ty Chứng khoán Rồng Việt, cho biết thị trường tăng và đạt được đỉnh cao mới nhờ vào một vài cổ phiếu vốn hóa lớn, vì vậy chỉ số thị trường chỉ mang tính chất tham khảo do có sự méo mó. Dòng tiền tiếp tục bị hút vào nhóm vốn hóa lớn và đang tìm cách thoát ra một cách quyết liệt hơn ở phần còn lại. 

Ngoài ra, hiện tượng thanh khoản sụt giảm mạnh không chỉ trong tuần qua mà đã kéo dài cả 2 tháng nay, bất chấp các chỉ số liên tiếp đi lên cao hơn, cho thấy dấu hiệu thị trường yếu. Ông Ngô Quốc Hưng, Bộ phận Chiến lược thị trường Công ty Chứng khoán VietinBank, cho rằng việc chỉ số tăng trong khi thanh khoản sụt giảm cho thấy có sự phân kỳ giữa giá và khối lượng, thể hiện dấu hiệu tiêu cực của thị trường. Bởi lẽ, bất kỳ sự tăng giá bền vững nào cũng cần được hỗ trợ bởi sự gia tăng của khối lượng. “Chốt lại, tình trạng chỉ số tăng mà khối lượng giảm như hiện nay cho thấy có sự sai lệch, thiếu sự đồng thuận của người tham gia, khả năng tiếp tục tăng giá có thể yếu đi và thiếu sự chắc chắn. Thị trường đang tiềm ẩn nhiều rủi ro”, ông Hưng nhận định. 

Mặc dù đà tăng của chỉ số vẫn đang được hỗ trợ bởi diễn biến tích cực của các cổ phiếu vốn hóa lớn, nhưng điều này lại khiến các nhà đầu tư ngày càng trở nên thận trọng và lo ngại khả năng đảo chiều của chỉ số. Theo nhận định của đa số các công ty chứng khoán, nếu diễn biến này còn tiếp tục xảy ra sẽ làm tăng nguy cơ đảo chiều xu hướng của thị trường trong ngắn hạn. VN-Index nhiều khả năng sẽ tiến đến vùng kháng cự mạnh 850-855 điểm trong một vài phiên kế tiếp. 

Các chuyên gia khuyến nghị, với diễn biến phân hóa mạnh mẽ giữa các dòng cổ phiếu, kèm theo sự chi phối rõ nét của các cổ phiếu vốn hóa lớn đến thị trường, thì dòng tiền được dự báo sẽ vẫn chỉ tập trung ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Áp lực chốt lời sẽ gia tăng đồng loạt trên diện rộng nếu chỉ số có dấu hiệu đảo chiều. Và trong thời điểm này, việc các nhà đầu tư đứng ngoài cuộc cũng là cách để phòng rủi ro.
“VN-Index và VN30 tiếp tục tăng để tiệm cận vùng kháng cự ngắn hạn, lần lượt nằm tại 850 điểm và 842 điểm thì các chỉ số khác lại chìm trong sắc đỏ. Tín hiệu kỹ thuật ngắn hạn vẫn duy trì ở mức tích cực đối với VN-Index và VN30, nhưng việc đã tiến gần các ngưỡng kháng cự cùng với dấu hiệu chốt lời giá cao, đà tăng tiếp theo của 2 chỉ số này cũng như nhóm cổ phiếu dẫn dắt sẽ gặp khó khăn trong ngắn hạn. Và khi thị trường đảo chiều thì độ rộng thị trường tiêu cực ngày càng dãn ra”, ông Barry Wesblatt phân tích thêm.

Tin cùng chuyên mục