Thị trường nhượng quyền tiếp tục hấp dẫn doanh nghiệp ngoại

Việt Nam đang được các doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư ngoại đánh giá là thị trường nhượng quyền hàng đầu, có giá trị nhất cho việc mở rộng phạm vi kinh doanh.

Ở thời điểm hiện tại, lĩnh vực thực phẩm - đồ uống, giáo dục, y tế - dinh dưỡng, dịch vụ kinh doanh, khách sạn, thời trang, làm đẹp - chăm sóc da, cửa hàng tiện lợi... đang được đánh giá là tiềm năng và thu hút các DN nhượng quyền.

Trong các lĩnh vực kể trên, nhượng quyền bán lẻ về cửa hàng tiện lợi đang thu hút sự quan tâm của đông đảo giới kinh doanh. Như phân tích của Bộ Công thương, trung bình 1.000 người cần 1 - 3 cửa hàng bán lẻ.

Tuy nhiên, một số khảo sát cho thấy hiện chỉ có 7.012 cửa hàng bán lẻ thuộc kênh bán lẻ hiện đại, trong đó có 4.541 minimart và cửa hàng thực phẩm. So sánh với nhu cầu của thị trường, dù mức tăng trưởng của kênh bán lẻ năm 2018 so với 2017 là 13% thì thị trường vẫn còn rộng lớn với tiềm năng phát triển cao.

Về tổng thể chung của toàn thị trường nhượng quyền, theo giới kinh doanh, sở dĩ những thực phẩm, đồ uống, hay chăm sóc sắc đẹp thu hút DN nhượng quyền đầu tư là do Việt Nam có dân số tương đối trẻ, thu nhập của nhóm trung lưu ngày càng tăng và thích làm quen với sản phẩm mới. Đơn cử như trong lĩnh vực thức ăn nhanh, các tập đoàn quốc tế như Burger King, KFC, McDonald’s… đã đổ bộ vào Việt Nam. Lợi thế lớn nhất của những chuỗi cửa hàng này là nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng, tạo nên xu hướng tiêu dùng mới và giá cả được chuẩn hóa, luôn tạo sự an tâm cho người mua. 

Thị trường nhượng quyền tiếp tục hấp dẫn doanh nghiệp ngoại ảnh 1 Nhượng quyền thực phẩm, đồ uống được giới kinh doanh nhắm tới

Chia sẻ tại Triển lãm quốc tế Công nghệ cửa hàng và Nhượng quyền thương hiệu (VIETRF 2019) diễn ra gần đây, nhiều chuyên gia dự báo rằng trong 3 năm tới, Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến của các thương hiệu quốc tế, đặc biệt là các thương hiệu khu vực.

Điều này đã thể hiện rõ rệt khi tại triển lãm này rất nhiều chủ sở hữu mô hình nhượng quyền thương hiệu Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, Nhật Bản… đã tham gia để tìm kiếm đối tác kinh doanh, nhà đầu tư, nhượng quyền ở Việt Nam. 

Sự đổ bộ mạnh mẽ của các thương hiệu ngoại đã buộc các DN nội, cửa hàng nhỏ lẻ Việt Nam phải cố gắng cải tiến, học hỏi và từng bước chuẩn hóa nếu không muốn mất khách hàng. Đây cũng là điều dễ hiểu khi tại VIETRF 2019 có khá nhiều thương hiệu nội như cà phê Phúc Sinh, cà phê Tâm Giao, Trung Nguyên... đã tham gia, giới thiệu mô hình của mình để thực hiện nhượng quyền, cạnh tranh với các thương hiệu ngoại.

Tin cùng chuyên mục