Thị trường vàng chưa lặng sóng

Khoảng cách giá vàng SJC trong nước và thế giới hiện đã hơn 3 triệu đồng/lượng, vượt xa con số 400.000 đồng/lượng mà Thống đốc NHNN cho là mức hợp lý. Một phần nguyên nhân của sự chênh lệch này là do cung chưa đáp ứng đủ cầu, cụ thể là thương hiệu vàng miếng SJC chưa được gia công kịp so với nhu cầu của thị trường. Phải chăng đây là kết quả trực tiếp của những biện pháp quản lý thị trường vàng, nhất là việc cho độc quyền vàng miếng SJC?
Thị trường vàng chưa lặng sóng

Khoảng cách giá vàng SJC trong nước và thế giới hiện đã hơn 3 triệu đồng/lượng, vượt xa con số 400.000 đồng/lượng mà Thống đốc NHNN cho là mức hợp lý. Một phần nguyên nhân của sự chênh lệch này là do cung chưa đáp ứng đủ cầu, cụ thể là thương hiệu vàng miếng SJC chưa được gia công kịp so với nhu cầu của thị trường. Phải chăng đây là kết quả trực tiếp của những biện pháp quản lý thị trường vàng, nhất là việc cho độc quyền vàng miếng SJC?

Đề cao yếu tố thị trường

Hiện nay, có 2 luồng quan điểm khác nhau liên quan đến vàng miếng. Quan điểm thứ nhất đề cao yếu tố thị trường, xem vàng là ngoại tệ, có thể sử dụng USD để nhập vàng khi cần thiết và xuất vàng để thu ngoại tệ. Thị trường vàng mang nặng yếu tố tâm lý, Nhà nước có thể điều tiết bằng những chính sách thông thoáng và công khai về xuất nhập khẩu vàng. Giá cả sẽ tự quân bình hợp lý trong nước và quốc tế. Khi không còn sinh lời thì người dân sẽ bớt giữ vàng, nhà đầu cơ sẽ ít có cơ hội ăn chênh lệch giá, nhu cầu nhập khẩu vàng sẽ giảm.

Thực tế tại Việt Nam đã có thời điểm bình ổn như vậy. Trường hợp cần can thiệp thị trường thì Nhà nước cho nhập vàng chính thức, thu thuế thay vì cấm đoán gây căng thẳng, kích thích buôn lậu mà lại mất thuế và cũng phải sử dụng USD để nhập vàng. Quan điểm này cũng không ngại người dân trữ vàng vì tài sản trong dân cũng chính là tài sản quốc gia.

Giá vàng trong nước và thế giới liên tục nới rộng. Ảnh: CAO THĂNG

Giá vàng trong nước và thế giới liên tục nới rộng. Ảnh: CAO THĂNG 

Quan điểm thứ 2 lại đối lập với quan điểm 1 vì chủ trương nhằm loại bỏ vàng miếng ra khỏi thị trường phổ thông và chỉ cho phép mua bán có điều kiện. Nhà nước kiểm soát chặt chẽ vì cho rằng kinh doanh vàng sẽ tác động đến tỷ giá ngoại tệ, gây bất ổn nền kinh tế và ảnh hưởng đến đồng Việt Nam.

Về 2 luồng quan điểm trên, ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng, chủ trương về vàng miếng nên nghiêng về quan điểm 1 vì mọi việc sẽ không quá nan giải nếu các chính sách ban hành tôn trọng đúng thực tế khách quan. Theo ông Long, trong bối cảnh kinh tế Việt Nam hiện nay, việc áp dụng một số biện pháp quản lý kiểm soát là cần thiết nhưng phải có lộ trình phù hợp, đồng bộ và nhất quán. Có những vấn đề mà ý chí chủ quan không chi phối được và phải có giải pháp mang tính thị trường.

Ông Long phân tích, việc xuất và nhập lậu vàng khó ngăn chặn vì vàng là món hàng dễ cất giấu so với nhiều loại hàng hóa cồng kềnh đang hàng ngày “chảy” qua biên giới. “Không kiểm soát được lượng vàng xuất nhập, không biết lượng vàng luân chuyển trong thị trường là bao nhiêu mà lại muốn điều tiết thị trường là duy ý chí” - ông Long nói. Hơn nữa, tập quán giữ vàng của người dân không thể thay đổi chỉ vì mua vàng khó hơn do hạn chế điểm bán vàng miếng. Ngoài ra, thị trường đã xuất hiện vàng SJC giả nhằm đáp ứng lỗ hổng thiếu vàng SJC cũng là tất yếu, đúng quy luật hàng hóa thay thế trên thị trường. Và như vậy, người dân sẽ phải chịu rủi ro khi mua các loại vàng không được kiểm soát chất lượng nghiêm túc.

Siêu quyền năng “3 trong 1”

Nhằm quản lý, kiểm soát và tiến tới thu hẹp vàng vật chất, thời gian qua, NHNN đã ban hành hàng loạt các nghị định, thông tư với chủ trương loại bỏ vàng ra khỏi hệ thống tín dụng, ngân hàng và tổ chức lại thị trường vàng. NHNN cũng đã tiến hành biện pháp quản lý mạnh mẽ bằng cách dẹp bỏ các thương hiệu vàng miếng khác và chỉ giữ lại thương hiệu vàng miếng SJC và kiểm soát chặt chẽ việc sản xuất vàng miếng. Thay vì đứng ở vai trò quản lý, NHNN cũng đã “xắn tay” vào điều hành việc sản xuất cung cầu vàng miếng cho thị trường, kể cả việc chỉ đạo phân phối. Tuy nhiên, thực tế cho thấy thị trường vàng vẫn còn ngổn ngang.

TS Nguyễn Đại Lai, chuyên viên NHNN Việt Nam cho biết, vẫn biết giá vàng trong nước lên cao có nguyên nhân do theo xu hướng vàng thế giới. Tuy nhiên, một thực tế ghi nhận tại thị trường vàng trong nước là khoảng cách giữa giá vàng SJC và thế giới liên tục nới rộng đến mức nghịch lý, trong khi đó những thương hiệu vàng “phi SJC” lại ngang bằng và thậm chí còn thấp hơn giá vàng thế giới bất luận tuổi vàng cũng “4 số 9” như vàng SJC. “Trong khi thị trường vàng bộc lộ giá độc quyền và cách biệt với giá vàng thế giới như vậy, nhưng hiếm thấy động thái gì từ việc giảm hay tăng vàng từ kho dự trữ ngoại hối nhà nước để tham gia can thiệp mà chủ yếu là tăng cường dập lại và dập các loại vàng “phi SJC” sang SJC” - ông Lai nói.

Như vậy, chỉ nhờ cơ chế mà Công ty SJC có được siêu quyền năng “3 trong 1”: độc quyền can thiệp thị trường, độc quyền vàng trước vinh quang thương hiệu vàng quốc gia và độc quyền “dập” vàng SJC. Chính vì thế, theo ông Lai, hiện nay vàng SJC “chưa đỗ ông nghè” (chưa thành vàng thương hiệu quốc gia SBV - PV) đã đe dọa cả thị trường vàng trong nước như vừa qua là một điều đáng tiếc mà đáng ra vàng SJC phải bình đẳng với các loại vàng khác trong nước. Điều đáng quan tâm hơn nữa là trong khi giá trị vàng ở khắp nơi trên thế giới được đo bằng tuổi vàng thì ở Việt Nam, do việc cấm cửa nửa vời mà tuổi vàng không quan trọng bằng miếng vàng đó mang thương hiệu gì. Theo ông Lai, việc đo đếm giá trị và giá cả vàng phải căn cứ vào tuổi vàng. Xóa bỏ mọi phân biệt với các loại vàng phi dự trữ ngoại hối nhà nước, theo đó xóa bỏ cơ chế độc quyền và nên tôn trọng quy luật thị trường. 

Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cho biết, để bình ổn thị trường vàng, vấn đề quan trọng là cần phải xử lý ngay vấn đề nhập vàng và huy động vàng miếng của dân. Thị trường vàng “dậy sóng” thời gian qua là do các NHTM đã bán vàng huy động của dân nay lại khó khăn để mua vào nhằm cân bằng thanh khoản vì giá vàng tăng mạnh và nguồn vàng đang khan hiếm trên thị trường. Do đó, NHNN nên gia hạn ngày chấm dứt việc phát hành chứng chỉ huy động vàng của các NHTM vào ngày 25-11-2012 nhằm giảm áp lực lên giá cả thị trường. Cần xem xét giải pháp NHNN trực tiếp nhập vàng, điều khiển hướng để lượng vàng nhập này đến đúng địa chỉ nhằm giải quyết thanh khoản.

N.NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục