Thị trường viễn thông di động: Hết thời tin nhắn rác?

Theo Thông tư 47/2017 của Bộ TT-TT, từ 1-3-2018, các nhà mạng di động chỉ được khuyến mại đến tối đa 20% giá trị thẻ nạp đối với thuê bao trả trước và tối đa 50% giá trị thẻ nạp đối với thuê bao trả sau. Đây được xem là động thái sẽ khiến thị trường viễn thông di động có nhiều thay đổi trong thời gian tới.
Thị trường viễn thông di động: Hết thời tin nhắn rác?
Chuyển sang thuê bao trả sau

Theo Bộ TT-TT, quy định trên nhằm bảo đảm quyền lợi và thúc đẩy phát triển thuê bao trả sau, hạn chế cuộc gọi rác, tin nhắn rác; đồng thời bảo đảm cạnh tranh lành mạnh trên thị trường dịch vụ thông tin di động, bảo đảm an toàn, an ninh xã hội, bảo đảm quyền lợi của khách hàng sử dụng dịch vụ. Cũng theo Bộ TT-TT, khách hàng sử dụng dịch vụ thông tin di động vẫn được bảo đảm quyền lợi, được hưởng chất lượng dịch vụ tốt, chính sách chăm sóc khách hàng tốt. Các doanh nghiệp phải tiến hành rà soát thủ tục chuyển đổi từ thuê bao trả trước sang trả sau, bảo đảm thủ tục đơn giản, gọn nhẹ, thuận tiện, bảo lưu tài khoản chính cho khách hàng. Thông tin từ các nhà mạng cho biết, tất cả đã tuân thủ Thông tư 47 với những quy định mới từ 1-3 vừa qua. Các nhà mạng cũng cho biết, đã thiết kế, đưa ra thị trường các gói cước mới, giá rẻ, đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ đa dạng của khách hàng.

Từ năm 2016, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ TT-TT có giải pháp bảo đảm an toàn thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ trên mạng, tăng cường công tác quản lý thuê bao di động trả trước; chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan khẩn trương ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp viễn thông rà soát, xác minh, cập nhật nâng cao tính chính xác của thông tin thuê bao di động trả trước; đề xuất, triển khai các giải pháp nhằm xác minh, đối soát thông tin thuê bao chính xác, hiệu quả. Trong năm năm 2017, Chính phủ tiếp tục yêu cầu Bộ TT-TT “có giải pháp quyết liệt, hiệu quả hơn nữa trong việc ngăn chặn, xử lý tin nhắn rác, hệ lụy tin nhắn rác, thu hồi SIM kích hoạt sẵn; có cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển thuê bao di động trả sau”. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, năm 2017, Bộ TT-TT đã yêu cầu các doanh nghiệp quản lý chặt việc đăng ký và lưu trữ thông tin thuê bao; hướng dẫn các doanh nghiệp di động nghiên cứu, thống nhất ký cam kết và thu hồi SIM kích hoạt sẵn trên các kênh phân phối của các doanh nghiệp di động. 

Trên thực tế, trong thời gian dài vừa qua doanh nghiệp di động đua nhau thu hút thuê bao trả trước đăng ký mới bằng cách liên tục đưa ra các chương trình khuyến mại khiến cạnh tranh không lành mạnh, buông lỏng quản lý đăng ký thông tin thuê bao nên hiện tượng lợi dụng đăng ký thuê bao trả trước để nhắn tin quảng cáo, đe dọa, lừa đảo, nội dung độc hại vẫn xuất hiện tràn lan. Trong khi đó, thuê bao trả sau là nhóm khách hàng sử dụng dịch vụ lâu dài, cung cấp đầy đủ thông tin cho nhà mạng khi đăng ký dịch vụ lại rất ít được hưởng chính sách khuyến mại. 

Với chính sách mới trên, sẽ hạn chế việc phát triển tràn lan thuê bao trả trước với những vấn nạn đi kèm, đồng thời thuê bao trả sau sẽ được chăm sóc tốt hơn, có nhiều ưu đãi hơn. Điều đó đồng nghĩa, người dùng sẽ chuyển dần từ dùng trả trước sang trả sau.

Giá cước sẽ giảm

Liên quan đến chính sách quản lý dịch vụ di động, Bộ TT-TT cũng đã ban hành Thông tư 48/2017 quy định giá cước kết nối đối với cuộc gọi thoại từ mạng viễn thông cố định mặt đất nội hạt vào mạng thông tin di động mặt đất toàn quốc và giá cước kết nối đối với cuộc gọi thoại giữa 2 mạng thông tin di động mặt đất toàn quốc. Cụ thể, về giá cước kết nối đối với cuộc gọi thoại giữa 2 mạng di động, theo quy định tại Thông tư 48, trường hợp gọi đến số thuê bao của nhà mạng Viettel, mạng di động gọi đi phải trả cho Viettel 400 đồng/phút; gọi đến số thuê bao của các nhà mạng MobiFone, VinaPhone, Vietnamobile, Công ty cổ phần Viễn thông di động Toàn Cầu (GTel), mạng di động gọi đi phải trả cho các nhà mạng này 440 đồng/phút. Theo quy định hiện hành, giá cước kết nối cuộc gọi của 2 mạng di động được quy định dao động từ 500 - 550 đồng/phút. 
Theo số liệu được Tổng cục Thống kê (Bộ KH-ĐT), kết thúc tháng 12-2017, tổng số thuê bao điện thoại di động cả nước đạt 119,7 triệu thuê bao. Về thị phần dịch vụ di động, số liệu tại Sách Trắng CNTT-TT 2017 của Bộ TT-TT cho hay, Viettel chiếm 42,5%, tiếp theo là MobiFone với 30%, VinaPhone chiếm 21,5%, Vietnamobile 3,1% và GTel là 2,9%.
Về giá cước kết nối đối với cuộc gọi thoại từ mạng nội hạt vào mạng di động, Thông tư 48 của Bộ TT-TT quy định, mạng nội hạt khởi phát cuộc gọi thoại trả mạng di động kết nối cuộc gọi giá cước là 320 đồng/phút. Các mức giá cước kết nối cuộc gọi được nêu trên đã bao gồm phần giá cước kết nối trả cho doanh nghiệp khi phải kết nối gián tiếp qua mạng đường dài trong nước nhưng chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng. Như vậy, với Thông tư 48, giá cước kết nối mới (có hiệu lực từ 1-5-2018) sẽ giảm khoảng 20% so với hiện hành. Tại Thông tư 48, Bộ TT-TT cũng yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ kết nối cuộc gọi thoại của mạng di động và mạng nội hạt phải thực hiện công khai thông tin về giá, niêm yết giá theo đúng quy định tại Luật Viễn thông, Luật Giá và các văn bản hướng dẫn liên quan. Với chính sách mới này, các chuyên gia viễn thông cho rằng, cơ hội giảm giá cước dịch vụ di động cho người dùng Việt Nam là rõ ràng. Xét một cách cơ bản, khi Thông tư 48 có hiệu lực, giá cước dịch vụ di động có thể giảm khoảng 20%, tỷ lệ theo giá cước kết nối giảm. 

Tin cùng chuyên mục