Thị xã Bến Cát hướng đến đô thị công nghiệp xanh

Thị xã Bến Cát là một trong những địa phương đi sau trong phát triển công nghiệp, đô thị của tỉnh Bình Dương, nhưng những năm gần đây có bước phát triển nhanh chóng, trở thành điểm đến mới thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Theo đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung đến năm 2040, thị xã Bến Cát sẽ trở thành trung tâm đô thị, công nghiệp lớn, góp phần cùng tỉnh Bình Dương hoàn thành các tiêu chí đô thị loại I trực thuộc trung ương.

Một góc đô thị Bến Cát, tỉnh Bình Dương
Một góc đô thị Bến Cát, tỉnh Bình Dương

Hình thành đô thị trong đô thị

Đến thị xã Bến Cát những ngày này, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự phát triển nhanh chóng, hiện đại với khá nhiều mảng xanh dọc theo nhiều tuyến đường lớn như Mỹ Phước - Bàu Bàng, hướng tuyến Vành đai 4 TPHCM, đặc biệt là tại trung tâm hành chính của thị xã và cụm đô thị ven Đại học Việt Đức (phường Thới Hòa). Những năm trước, nơi đây nổi tiếng với các khu nhà ở tự phát, nhiều tuyến đường nội bộ trời nắng bụi mù, trời mưa nước ngập, lầy lội, thì hiện nay, đã có nhiều ngõ hẻm được nâng cấp, các khu nhà ở được chỉnh trang, nhiều công viên, tiểu cảnh hình thành, đã tạo nên bộ mặt đô thị Bến Cát khang trang, hiện đại.

Chỉ tính nửa đầu nhiệm kỳ 2020-2025, kết cấu hạ tầng của thị xã Bến Cát được đầu tư đồng bộ, nhất là công trình trọng điểm, có sự liên kết với các địa bàn khác trong tỉnh. Điển hình là đầu tư mới 7 công trình đường sá, thoát nước, chỉnh trang đô thị, tổng mức đầu tư 558,9 tỷ đồng. Riêng năm 2023, thị xã Bến Cát đã hoàn thiện và triển khai đề án đầu tư nâng cấp các tuyến đường sỏi đỏ, đường đất trên địa bàn đến năm 2030 với 668 tuyến, dài hơn 203km, mức đầu tư dự kiến hơn 1.340 tỷ đồng, với mục tiêu bê tông hóa 100% tuyến đường, hoàn thành các tiêu chí đô thị loại 2 theo hướng xanh, thông minh.

Đến nay, thị xã Bến Cát đã hoàn thành phê duyệt đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch phân khu 5 phường trên địa bàn, lập hồ sơ quy hoạch chi tiết phường Mỹ Phước, chỉnh trang đô thị khu vực chợ Bến Cát và cải tạo không gian đô thị dọc Quốc lộ 13 đến sông Thị Tính. Cùng với đó là hoàn thành hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư dự án khu đô thị Bắc An Tây, với các tiêu chí khắt khe về mảng xanh, khu thể dục thể thao, hướng tới hình thành đô thị trong đô thị, tạo điểm nhấn cho trung tâm TP Bến Cát sau này.

Tạo hành lang phát triển công nghiệp, dịch vụ

Theo đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung thị xã Bến Cát đến năm 2040 vừa được phê duyệt, định hướng phát triển đô thị sẽ theo dạng tuyến gồm 2 hướng chính: hành lang thương mại dịch vụ dọc Quốc lộ 13 theo hướng Bắc - Nam và khu thương mại dịch vụ dọc đường Vành đai 4 TPHCM hướng Đông - Tây. Trên cơ sở đó, đô thị Bến Cát được chia thành 6 khu vực phát triển gồm: khu trung tâm hành chính - dịch vụ - công nghiệp (phường Mỹ Phước); khu đô thị dịch vụ - giáo dục - công nghiệp (phường Tân Định); khu đô thị công nghiệp và thương mại dịch vụ (phường Hòa Lợi); khu đô thị công nghiệp - dịch vụ, đầu mối hạ tầng kỹ thuật (phường Chánh Phú Hòa); khu đô thị công nghiệp - dịch vụ ở phía Tây (xã An Điền) và khu đô thị cảng kết hợp dịch vụ, nông nghiệp đô thị, du lịch (xã An Tây).

Để phát triển đồng bộ, những năm qua, nhiều công trình, dự án hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được thị xã Bến Cát đầu tư xây dựng, đáng chú ý là: xây dựng hạ tầng Khu trung tâm Văn hóa thể thao và dịch vụ công cộng thị xã Bến Cát; công viên dọc sông Thị Tính (đoạn qua chợ Bến Cát)… Một số công trình trọng điểm đang triển khai thi công như: Trường THCS Hòa Lợi, cải tạo nâng cấp mở rộng Trường THPT Tây Nam, khai thông nắn dòng chảy đoạn hạ lưu rạch Cầu Quan đến sông Thị Tính... Nhiều tuyến đường sỏi đỏ trên địa bàn các xã, phường được đầu tư nâng cấp, mở rộng đến năm 2030 với 516 tuyến, chiều dài 164km, tổng kinh phí đầu tư hơn 1.280 tỷ đồng.

Từ nay đến năm 2025, thị xã Bến Cát sẽ ưu tiên phát triển đô thị công nghiệp, dịch vụ dọc theo hành lang đường Vành đai 4 TPHCM, đại lộ Bình Dương, ĐT 741, ĐT 744, Mỹ Phước - Tân Vạn. Đây là các trục đường kết nối với TPHCM, Bình Phước, vùng Tây Nguyên và các kho cảng quan trọng ở Đông Nam bộ, tạo lực đẩy để Bến Cát phát triển hơn khi được nâng cấp lên thành phố.

Bí thư Thị ủy Bến Cát Bùi Minh Thạnh cho biết, theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2050 và quy hoạch phát triển đô thị và quy hoạch xây dựng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, đô thị Bến Cát sẽ phát triển theo hướng dịch vụ - công nghiệp xanh - đầu mối giao thông, đẩy mạnh các loại hình dịch vụ đa dạng để trở thành trung tâm dịch vụ cấp tỉnh; phát triển công nghiệp theo hướng công nghiệp xanh, chuyển giao công nghệ cao tầm khu vực; khai thác hiệu quả hệ thống giao thông kết nối vùng và thu hút đầu tư về logistics; tập trung mô hình cấu trúc phát triển đô thị từng khu đô thị và khu chức năng của từng khu vực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội xứng tầm vùng đô thị hạt nhân của vùng TPHCM và vùng đổi mới sáng tạo của Bình Dương.

Thị xã Bến Cát đã đề xuất UBND tỉnh Bình Dương danh mục dự án thu hút đầu tư giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030 xây dựng tuyến đường ven sông Sài Gòn đoạn đi qua thị xã với chiều dài tuyến 20,5km và tuyến đường dọc hai bên sông Thị Tính dài khoảng 30,5km nhằm khai thác phát triển cảnh quan tự nhiên và tiềm lực về dịch vụ, du lịch đường sông.

Ngày 19-3-2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 1012/NQ-UBTVQHK15 về việc thành lập phường An Điền, phường An Tây thuộc thị xã Bến Cát và thành lập TP Bến Cát, tỉnh Bình Dương, hiệu lực thi hành từ ngày 1-5-2024. Hiện Bến Cát đã trình UBND tỉnh và cấp thẩm quyền xét lập thủ tục đề nghị Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng nhất cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã về thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần vào sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc từ năm 2015-2022.

Tin cùng chuyên mục