Đến với Hội hoa xuân (HHX) năm nay, ngoài việc được chiêm ngưỡng nhiều loài hoa đẹp, du khách còn có dịp được thưởng lãm những hòn non bộ và tiểu cảnh được thiết kế với ý tưởng độc đáo. Báo SGGP xin giới thiệu một số tác phẩm “độc nhất vô nhị” của các nghệ nhân hiện đang được trưng bày tại HHX
Vạn niên ô long tuyền
Nuôi dưỡng ý tưởng thiết kế một vạt rừng nhiệt đới thu nhỏ, nghệ nhân Hoàng Dũng và các cộng sự đã tỏa đi khắp mọi miền đất nước để tìm kiếm chất liệu thể hiện. Lang thang suốt 6 tháng tại các tỉnh miền núi, một ngày, trên đường từ Đắc Lắc trở về, ông tình cờ đi ngang nhà một người dân và thấy trước nhà có dựng một cây gỗ sao khá đẹp.
Hỏi ra mới biết chủ nhà trong một lần đi múc cát đã tìm thấy cây gỗ này dưới lòng một con suối. Thấy cây gỗ còn tốt, họ mới quyết định mang về nhà chơi. Thuyết phục mãi, chủ nhà mới đồng ý bán lại cho ông Dũng với điều kiện phải dùng cây gỗ để làm nên một tác phẩm nghệ thuật độc đáo.
Trở về, ông và các cộng sự đã mất hơn 6 tháng để đục khoét thân cây gỗ thành một chiếc thuyền độc mộc, đổ đất, tạo núi, làm suối, trồng cây, làm thành tác phẩm “Vạn niên ô long tuyền” (ảnh). Ông cho biết: tất cả những cây được trồng trong vạt rừng thu nhỏ của mình đều là cây vạn niên tùng. Điểm thú vị là tuy mỗi cây chỉ cao vài tấc nhưng tuổi thọ của cây đã lên đến 15 năm.
Hình ảnh đàn ngựa thong dong gặm cỏ vào lúc hoàng hôn bên bờ suối, bên trên là cánh rừng thâm u, bên tai là tiếng suối chảy róc rách sẽ làm cho du khách cảm thấy như đang lạc bước vào chốn rừng xanh.
Thiên môn xuân động
Để làm một cổng trời mùa xuân thu nhỏ chỉ trong vài tấc vuông, nghệ nhân Lâm Ngọc Vinh phải cất công tìm đá tuyết hoa - một loại đá quý hiếm ở miền Đông Nam bộ. Từ những khối đá thô to, đen, vuông vắn, phải mất nhiều tháng, ông mới sơ chế bề mặt để tạo vân đá, cắt và tạo dáng thành những khối núi có hình dáng trập trùng, thanh thoát.
“Nhìn từ xa, 2 ngọn núi khép kín tạo thành hình dáng một cái cổng nhưng nhìn gần thì thấy 2 mỏm đá tách rời nhau. “Khi làm non bộ, thường thì nghệ nhân luôn tạo dáng núi hình tam giác. Lần này, tôi muốn làm núi nhưng… không giống núi để tạo cảm giác mới mẻ hơn” - nghệ nhân Lâm Ngọc Vinh cho biết.
Tiểu cảnh được trồng xen kẽ trong tác phẩm Thiên môn xuân động toàn bộ là mai chiếu thủy, cao chưa đầy 10cm nhưng có tuổi đời trên 6 năm. Cái khó khi làm hòn non bộ cỡ nhỏ là dù mực nước chỉ khoảng nửa phân nhưng thác nước vẫn phải có ghềnh, chảy mạnh và có tiếng nước reo, núi nhỏ, đất rất ít nhưng vẫn phải nuôi được cây. Bên dáng núi chập chùng, khi mai nở trắng cành, thác reo róc rách, cảnh vật nơi cổng trời thật sự trở thành chốn bồng lai tiên cảnh.
Chiều xuân
Trên cao cổ thụ xòe soi bóng
Thiên nhiên cây cảnh chốn tiên bồng
Án thơ dang dở niềm hoài vọng
Xuân về ấm lại chiều cuối đông
Lấy cảm hứng từ 4 dòng tứ tuyệt, nghệ nhân Nguyễn Thành Công đã thiết kế nên tác phẩm “Chiều xuân”. Với nét chủ đạo là cây Duyên Tùng đổ bóng từ trên triền núi xuống, tác phẩm gợi nên nét hoang sơ, vừa mềm mại mà cũng vừa duyên dáng, trữ tình.
Ông Công cho biết, đá dùng để tạo dáng núi là đá Đà Nẵng. Cây Duyên Tùng này đã sống trong hòn núi nhỏ hơn 3 năm. Quá trình chăm sóc cũng không phức tạp lắm: Mỗi ngày cần tưới cho cây ít nhất 2 lần. Đặc điểm của tiểu cảnh được phối thành non bộ là sống trên rất ít đất nhưng với kỹ thuật đưa chất dinh dưỡng trực tiếp vào nuôi cây thì khoảng 5-6 năm mới cần phải thay đất một lần mà cây vẫn tươi xanh.
Mai Hương