
Thập niên 90 của thế kỷ trước, Bogota - thủ đô của Colombia - là nơi có chất lượng sống tệ nhất Colombia nói riêng và Mỹ Latinh nói chung. Vừa bất bình đẳng xã hội, Bogota lại thiếu cơ sở hạ tầng, không an toàn và an ninh. Khi đó, Thị trưởng Bogota Enrique Penalosa chỉ đau đáu một điều làm gì để xóa bỏ thực trạng đáng buồn của thủ đô với 7,5 triệu người này. Câu trả lời chỉ có một: Thiết kế đô thị bền vững sẽ là nền tảng cho công bằng xã hội.
Cũng trong những năm 1990, tắc nghẽn giao thông ở Bogota hầu như nằm ngoài tầm kiểm soát. Một số nhà quy hoạch đô thị đã đề xuất xây dựng một mạng lưới đường cao tốc trên cao. Tuy nhiên, ông Penalosa không nghĩ rằng ý tưởng này sẽ giải quyết được vấn đề.

Người dân chạy xe đạp ở thủ đô Bogota.
Nghĩ là làm, ông trích một phần từ chi phí đề xuất cho dự án đường cao tốc trên không chuyển vào đầu tư một trong những hệ thống vận chuyển xe buýt tiên tiến nhất (BRT). Hệ thống này bao gồm hơn 1.300 xe buýt lớn, mỗi chiếc có khả năng chứa 160 hành khách và hệ thống xe buýt trung chuyển nhỏ để “chăm sóc” các khu vực xa xôi hẻo lánh. Đi xe buýt vẫn luôn là điều khiến người nghèo mặc cảm. Vì thế, BRT được đặt tên là Transmilenio (Xuyên thiên niên kỷ). Cho đến bây giờ, người dân Bogota không ai nói: “Tôi sẽ đi xe buýt” mà họ nói “Tôi sẽ đi Xuyên thiên niên kỷ”. Để hệ thống giao thông công cộng tiếp cận đến phần lớn cư dân thủ đô, Transmilenio triển khai hệ thống xe buýt trung chuyển từ những cộng đồng có thu nhập thấp tại khu vực ngoại ô thủ đô đến các trạm Transmilenio chính, áp dụng giá vé thống nhất không phân biệt khoảng cách...
Ngoài phát triển BRT, các con đường dành cho xe đạp và người đi bộ cũng được phát triển, cung cấp thêm lựa chọn cho những nhóm người có thu nhập thấp. Ông Penalosa cho xây dựng những làn đường dài 300km dành cho người đi xe đạp, tăng cường sử dụng xe đạp gấp 5 lần trong thủ đô hay mở những con đường dành cho xe đạp chạy xuyên từ khu vực nghèo đến vùng đô thị giàu có để thúc đẩy sự hòa nhập giữa các tầng lớp.
Đối với xe hơi, lệ phí đậu xe trong thủ đô bị tăng gấp đôi, khoảng 40% các phương tiện cá nhân không được phép đi lại vào giờ cao điểm từ thứ hai đến thứ sáu, để tạo điều kiện cho cho người đi bộ. Mỗi năm một lần, thủ đô Bogota dành riêng một ngày không xe hơi, bắt đầu từ ngày 24-2-2000. Đó cũng là lần đầu tiên trên thế giới, các phương tiện cá nhân bị giới hạn trên một thủ đô. Sự kiện này gây được tiếng vang đến nỗi người dân Bogota sau đó đã yêu cầu tổ chức hàng năm Ngày không xe hơi vào thứ năm đầu tiên của tháng 2.
Những thay đổi trên đã tạo sự khác biệt lớn cho chất lượng sống của Bogota. Transmilenio giờ đây vận chuyển hơn 1,9 triệu hành khách/ngày, và trở thành một trong những hệ thống BRT năng suất cao nhất thế giới. Tỷ lệ tử vong do giao thông giảm đến 89%. Khí thải CO2 giảm hơn 60.000 tấn/năm. Thực tế, trong một nghiên cứu gần đây, Transmilenio đã giúp giảm đến 85% tỷ lệ tội phạm và tăng giá trị đất đai và việc làm. Nhờ cương quyết thay đổi, dám nghĩ dám làm, các sáng kiến giao thông bền vững của Thị trưởng Penalosa đã mang lại nhiều ý nghĩa hơn cho chất lượng cuộc sống chứ không còn đơn thuần chỉ là giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông hay giảm ô nhiễm.
HẠNH CHI