Thiếu kiểm tra, giám sát mặt hàng yến

Mặt hàng cao cấp, từng được mặc định chỉ dành cho các bậc đế vương, nhưng nay yến lại được rao bán giá rẻ, có nơi đổ đống như hàng chợ. Kỳ lạ ở chỗ, các mặt hàng không nhãn mác, nguồn gốc được bán ngang nhiên trên mạng xã hội, chợ truyền thống… nhưng cơ quan chức năng thừa nhận rất khó kiểm soát, xử phạt.
Tổ yến được bán tràn lan tại chợ Bình Tây, quận 6, TPHCM. Ảnh: HÂN GIA
Tổ yến được bán tràn lan tại chợ Bình Tây, quận 6, TPHCM. Ảnh: HÂN GIA

Tại sao vậy? Sau đây là giải thích của một số cơ quan liên quan: Với yến nhập khẩu, vướng mắc ở chỗ yến nhập thường đi theo đường tiểu ngạch nên rất khó phát hiện. Chỉ lác đác một vài vụ hiếm hoi bị cơ quan chức năng kịp thời ngăn chặn, xử lý.

Chẳng hạn Hải quan TPHCM từng phát hiện vụ nhập lậu gần 120kg tổ yến vụn Indonesia (xách tay và ký gửi) qua cửa khẩu hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Trần Hải Sơn, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Khánh Hòa, cho biết, phía hải quan có nắm thông tin về việc nhập khẩu yến, nhưng chủ yếu qua đường tiểu ngạch nên khó kiểm soát bởi nó là mặt hàng giao dịch thông thường.

Ở một số chợ truyền thống trên địa bàn TPHCM (trong đó có chợ Bình Tây), thông tin từ ban quản lý chợ cho biết, tiểu thương được kinh doanh yến sào do đây không phải hàng quốc cấm. “Nếu ban quản lý chợ phát hiện hàng hóa trôi nổi, không nhãn mác, thì tiểu thương cũng chỉ bị nhắc nhở là chính. Đây cũng là cái khó của chúng tôi hiện nay”, một vị lãnh đạo ban quản lý chợ tại quận 1, TPHCM phản ánh. 

Có thể nhận thấy nguy cơ thương hiệu và chất lượng yến sào trong nước đang bị đánh tráo. Kinh doanh yến đem lại lợi nhuận cao nên nhiều người không ngại việc làm giả tổ yến để bán. Theo Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Khánh Hòa, thời gian gần đây xuất hiện yến sào bị làm giả rất đa dạng và tinh vi. Yến sào giả có thể được làm từ bột rau câu, tinh bột, lòng trắng trứng, bún tàu và một số hợp chất chưa rõ nguồn gốc.

Bà Đặng Thị Ánh Tuyết, Giám đốc sản xuất Công ty Phú Hồng Thành - thương hiệu yến sào Hồng Tuyết Linh, khuyến cáo khách hàng nên cẩn trọng tìm hiểu về giá từng loại yến, nhất là yến huyết trước khi mua. Trong đó, có một số phương pháp nhận biết bằng cảm quan để hạn chế mua phải yến kém chất lượng, chẳng hạn như yến thật thường có màu trắng ngà, đàn hồi tốt, khó bẻ gãy, ngâm nước nở đều, không tan, sợi vẫn giữ độ dai. Còn yến giả thì ngược lại, nếu ngâm vào nước nở rất nhanh, bị nhão; sợi yến dễ đứt…

Ông Nguyễn Viết Hồng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TPHCM, nhận định, mặt hàng nào bán chạy trên thị trường sẽ có nguy cơ bị làm giả, trong đó có tổ yến được bán trôi nổi, không rõ nguồn gốc trên internet. Mới đây, Hiệp hội Yến sào Việt Nam đã gửi công văn đến các cơ quan chuyên trách (Bộ Công an, Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT) kêu cứu về việc người tiêu dùng phản ánh mua phải yến sào giả từ một số trang bán hàng trên Facebook như Tổ yến - Yến sào Nha Trang thượng hạng, Tổ yến - Yến sào Gia Khánh, Công ty TNHH Yến đảo miền Trung… Nội dung công văn đề nghị các cơ quan chuyên trách vào cuộc điều tra, chấm dứt tình trạng kinh doanh yến giả, yến kém chất lượng, bảo vệ quyền lợi khách hàng.

Theo ông Nguyễn Viết Hồng, khách hàng nên chọn mua các sản phẩm có nhãn mác, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, tem chống giả trên từng sản phẩm. “Tổ yến giả đang là vấn nạn, gây nhiễu loạn trên thị trường, có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng, làm mất thị phần kinh doanh của những doanh nghiệp làm ăn chân chính”, ông Nguyễn Viết Hồng cho hay.

Tin cùng chuyên mục