Thịt bò Kobe là thịt nhập lậu

Mặc dù thịt bò Kobe đã có mặt từ lâu trên thị trường Việt Nam, song ngày 25-12, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) Hoàng Văn Năm khẳng định, Việt Nam chưa cho phép nhập khẩu loại thịt bò này vào nội địa tiêu thụ, thịt bò Kobe nhập vào Việt Nam là thịt nhập lậu.
Thịt bò Kobe là thịt nhập lậu

Mặc dù thịt bò Kobe đã có mặt từ lâu trên thị trường Việt Nam, song ngày 25-12, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) Hoàng Văn Năm khẳng định, Việt Nam chưa cho phép nhập khẩu loại thịt bò này vào nội địa tiêu thụ, thịt bò Kobe nhập vào Việt Nam là thịt nhập lậu.

Nhập thịt bò ngoại bằng chứng thư giả

Theo ông Năm, mặc dù hiện nay, Cục Thú y đã cấp giấy phép nhập khẩu cho hàng loạt sản phẩm thịt “đặc sản” ngoại như thịt cừu Úc, tu hài Mỹ... nhưng riêng thịt bò Kobe của Nhật Bản thì cục vẫn chưa cho phép nhập. Sở dĩ như vậy là vì chưa có văn bản pháp lý ràng buộc về các thỏa thuận có liên quan đến điều kiện vệ sinh thú y với các sản phẩm thịt bò nhập khẩu giữa Nhật Bản và Việt Nam.

Thịt bò Kobe (Ảnh có tính minh họa)

Thịt bò Kobe (Ảnh có tính minh họa)

Có hai lý do mà Việt Nam và Nhật Bản chưa thực hiện ký kết các thỏa thuận về nhập thịt bò Kobe. “Một là hiện nay, các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm vẫn chưa có đề nghị nào về nhu cầu nhập khẩu thịt bò từ Nhật Bản vào Việt Nam, nên chúng tôi chưa có thực tế để tiến hành cấp phép kiểm dịch. Hai là do trước đây có lo ngại về chuyện thịt bò điên”- ông Năm nói. Như vậy, chủ trương là không cấm nhập thịt bò Kobe, nhưng trong thời điểm hiện nay thì vẫn chưa đủ thủ tục pháp lý.

Tuy nhiên, theo ông Năm, sau khi phát hiện thịt bò Kobe xuất hiện nhiều trên thị trường, Cục Thú y Việt Nam đã làm việc với Cục Thú y Nhật bản để làm rõ. Cơ quan thú y Nhật Bản đã cung cấp cho Cục Thú y Việt Nam một số chứng thư của phía Việt Nam đã gửi cho họ trên danh nghĩa các cơ quan công quyền của Việt Nam. “Vì có giấy tờ này nên họ mới đồng ý xuất loại thực phẩm trên. Chính vì vậy, chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ nguồn gốc của các chứng thư giả này xuất phát từ đâu và ai cấp”- ông Năm đề nghị.

Phải chăng là thịt “giả”?

Khi mới xuất hiện ở Việt Nam, người dân đã từng xôn xao về bát phở bò Kobe có giá tới 850.000 đồng. Tuy nhiên đến nay, trong thực đơn của nhiều nhà hàng đều có giới thiệu món bò Kobe Nhật Bản, và giá bán trên thị trường có thể làm nhiều người “giật mình” vì tới 3-4 triệu đồng/kg. Thậm chí trên các trang web, thịt bò Kobe cũng được rao bán khá nhiều. Chẳng hạn tại trang có địa chỉ nhapkhauthitbo, giá thịt bò Kobe được rao bán với mức 3,5 triệu đồng/kg, được quảng cáo là có nguồn gốc xuất xứ Nhật Bản.

Theo ông Năm, do hiện nay thịt bò Kobe không được phép nhập vào Việt Nam (theo chính ngạch) nên có thể xuất hiện ba trường hợp: Một là thịt bò được các doanh nghiệp nhập lậu. Hai là các cơ sở kinh doanh đang gian lận, giả mạo thịt bò Kobe để qua mặt người tiêu dùng. Ba là nhập theo con đường tạm nhập tái xuất rồi lợi dụng để tuồn vào thị trường nội địa.

Trong đó, lo ngại nhất là tình trạng thịt bò Kobe “giả”. Vì theo ông Năm, thịt bò Kobe thật có mùi vị rất đặc trưng, có màu sắc như đá cẩm thạch, có hàm lượng omega 3 lớn. “Cũng chính vì hàm lượng này mà dù đắt đỏ đến mấy, người dân vẫn đổ xô mua vì cho rằng, nó có thể giúp giảm mỡ trong máu”. Cũng chính vì thế, tại Nhật cứ mỗi 150gram thịt bò Kobe được bán lẻ với giá 50USD, tức là rất đắt. Tuy nhiên, cũng giống bò này, nhưng có thể nuôi ở các nước khác như Mỹ và Canada, rồi các doanh nghiệp nhập khẩu về theo chính ngạch để bán cho người tiêu dùng Việt Nam, để giả thịt bò Kobe.    

“Dù thịt bò Kobe thật hay giả thì khi vẫn chưa được cơ quan chức năng cho phép nhập khẩu, chưa có kiểm dịch thì rõ ràng là sai phạm”- ông Năm nói. Nhưng để kiểm soát thịt bò lậu, không chỉ riêng Cục Thú y mà cả các ngành như hải quan, quản lý thị trường cũng cần phải vào cuộc để kiểm chứng nguồn gốc của loại thịt bò đang được gọi là thịt bò Kobe, có đúng thịt bò Kobe và có đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm.

PHÚC HẬU

Tin cùng chuyên mục