Hãng Thông tấn nhà nước Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin, 9 xe tải chở xe bọc thép và 1 xe buýt chở binh sĩ đã được điều động tới huyện Akcakale, ở tỉnh Sanliurfa, phía Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ giáp biên giới Syria. Động thái này cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ đã mất kiên nhẫn với với Mỹ trong nỗ lực thiết lập “vùng an toàn” ở phía Bắc Syria, dấu hiệu cho thấy một chiến dịch quân sự sắp diễn ra.
Nhiều bất đồng
Chỉ một ngày trước khi diễn ra hoạt động tăng cường quân sự ở khu vực biên giới, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đe dọa sẽ sớm mở chiến dịch tấn công lực lượng vũ trang người Kurd trên không và trên bộ ở phía Đông sông Euphrates tại Syria, nơi Ankara và Washington chưa thành lập một “vùng an toàn” như đã lên kế hoạch.
Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar cũng lên tiếng cảnh báo rằng Ankara sẽ chấm dứt hợp tác với Washington trong nỗ lực thiết lập “vùng an toàn” ở khu vực Đông Bắc Syria nếu Mỹ vẫn tiếp tục trì hoãn hoạt động này. Tuy nhiên, Mỹ cảnh báo rằng một hành động đơn phương sẽ không mang lại an ninh hoặc lợi ích cho cả hai nước. YPG được Mỹ hậu thuẫn nhưng Thổ Nhĩ Kỳ lại coi là một nhánh của đảng Công nhân người Kurd (PKK) mà Ankara liệt vào danh sách khủng bố. Trước đây, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ từng 2 lần phát động chiến dịch quân sự qua biên giới vào lãnh thổ Syria để chống YPG và nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trong các năm 2016 và 2018.
Hồi tháng 8 vừa qua, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ, hai nước đồng minh trong tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã nhất trí thiết lập “vùng an toàn” ở khu vực phía Bắc Syria nhằm giải tỏa những lo ngại của Ankara về lực lượng người Kurd, đồng thời thiết lập một hành lang hòa bình để hỗ trợ 2 triệu người tị nạn Syria có thể trở về quê hương. Tuy nhiên, kế hoạch này vẫn chưa được triển khai do 2 bên đến nay vẫn còn nhiều bất đồng. Thổ Nhĩ Kỳ nhiều lần cáo buộc Mỹ thành lập vùng an toàn chỉ là “vỏ bọc” để bảo vệ người Kurd, chứ không phải bảo vệ đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ.
Điều Thổ Nhĩ Kỳ mong muốn hiện nay là khu vực sâu 30 km bên trong lãnh thổ Syria phải “sạch bóng” lực lượng người Kurd mà Mỹ hậu thuẫn. Theo đó, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ sử dụng khu vực này để hồi hương những người tị nạn Syria ở Thổ Nhĩ Kỳ trở về. Giới quan sát từng cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không dại gì “chọc giận” Mỹ bằng một cuộc tấn công quân sự quy mô lớn khi hai đồng minh này đang nỗ lực khắc phục mối quan hệ, nhưng Ankara luôn nhấn mạnh nước này luôn sẵn sàng hành động độc lập.
Hành động bất hợp pháp
Mọi sự can dự của Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria đến nay đều bị Chính phủ Syria coi là bất hợp pháp. Syria luôn lên án mọi hành động quân sự của hai quốc gia này tại Syria, bao gồm cả chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ sắp tiến hành nếu có.
Ngoại trưởng Syria Walid al-Moualem lên tiếng yêu cầu toàn bộ các binh sĩ Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ lập tức rút quân khỏi Syria, đồng thời cảnh báo các lực lượng chính phủ Syria có quyền đưa ra các biện pháp đối phó nếu Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ từ chối. Ngoại trưởng Syria Walid al-Moualem nêu rõ: “Bất kỳ lực lượng nước ngoài nào đang hoạt động trong lãnh thổ của chúng tôi mà không được chúng tôi cho phép đều là lực lượng chiếm đóng và cần phải lập tức rút quân. Nếu họ từ chối, chúng tôi có quyền đưa ra mọi biện pháp đối phó được cho phép theo luật pháp quốc tế”. Theo Ngoại trưởng Syria, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đang duy trì sự hiện diện quân sự bất hợp pháp tại miền Bắc Syria và các nỗ lực của Washington và Ankara nhằm thiết lập “vùng an toàn” bên trong Syria vi phạm Hiến chương Liên hiệp quốc.
Trong khi đó, tờ Wall Street Journal dẫn lời từ một quan chức Mỹ cho biết Washington cân nhắc đến khả năng rút quân khỏi Syria nếu Thổ Nhĩ Kỳ tấn công vào lực lượng dân quân người Kurd.