Thỏa thích xem phim miễn phí

Dịp hè năm nay, nhiều trẻ khuyết tật ở TPHCM thỏa ước mơ đến rạp xem phim, bởi từ khi hoạt động đậm tình người này được rạp chiếu phim Ngôi Sao - Cinestar (rạp Quốc Thanh cũ, số 271 Nguyễn Trãi, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, TPHCM) thực hiện miễn phí.
Thỏa thích xem phim miễn phí

Dịp hè năm nay, nhiều trẻ khuyết tật ở TPHCM thỏa ước mơ đến rạp xem phim, bởi từ khi hoạt động đậm tình người này được rạp chiếu phim Ngôi Sao - Cinestar (rạp Quốc Thanh cũ, số 271 Nguyễn Trãi, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, TPHCM) thực hiện miễn phí.

Mới đây, gần 200 học sinh khuyết tật (khiếm thị, khiếm thính…) và chậm phát triển từ các trường chuyên biệt ở TPHCM đã rất háo hức đến rạp xem phim Đầu gấu Bắc Cực. Khán phòng từng chập rộ lên những cảm xúc hào hứng, vui, buồn, ngạc nhiên, reo hò khi nghe thấy tiếng động của nhạc phim, tiếng nước chảy, tiếng sóng biển qua lời thuyết minh, mô tả dí dỏm của diễn viên lồng tiếng Nhất Duy.

Các em học sinh khuyết tật vào rạp chiếu phim Cinestar xem phim

Đến xem phim, các em được miễn phí vé vào cổng, một phần bắp rang bơ, nước ngọt và gặp gỡ giao lưu bạn bè. Dù không hiểu biết nhiều, nhưng các học sinh chậm phát triển của Trường chuyên biệt Hy Vọng (quận 10) cũng rất phấn khích khi thấy những hình ảnh vui nhộn của phim. Các em reo hò, vỗ tay, ôm chầm cô giáo của mình mỗi khi cảm thấy thích một cảnh phim nào đó. Có em từng học từ trường chuyên biệt, có khả năng hội nhập trường học của trẻ bình thường hoặc đã theo học các trường bình thường, nhưng nghe tin có chiếu phim miễn phí dành riêng cho trẻ khuyết tật đã đăng ký xem và có dịp gặp lại bạn học cũ.

Các em Nguyễn Thanh Thùy, Nguyễn Thị Anh Thư (lớp 6, Trường THCS Sương Nguyệt Ánh, quận 10); Lại Đoàn Phương Uyên (lớp 6 Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, quận 10) từng là bạn học đến lớp 5 tại Trường Nguyễn Đình Chiểu đã được gặp lại nhau tại buổi chiếu phim này.  Cả 3 em là những học sinh có khả năng nhìn kém. Các bạn mừng rỡ gặp lại nhau, tíu tít nói về bộ phim được xem và cùng những chuyện vui buồn khác. Em Lại Đoàn Phương Uyên hồn nhiên nói: “Em rất thích được đi xem phim như thế này. Trước giờ, gia đình chưa bao giờ nghĩ tụi em sẽ ra rạp xem phim. Nhưng nhờ chương trình, chúng em thấy tự tin đi xem phim cùng những người sáng mắt khác. Em hiểu rằng, có nhiều cách để cảm nhận phim. Em có thể đọc được những dòng chữ lớn trên phim”.

Cô Hà Thanh Vân, Hiệu trưởng Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, cho biết các em khiếm thị thường nhạy cảm các giác quan hơn người sáng mắt. Các em có thể “thấy” và hiểu phim bằng âm thanh một cách rõ ràng, cụ thể như người sáng mắt. Dự án chiếu phim này là chương trình có ý nghĩa hết sức thiết thực của ban lãnh đạo Cinestar, không chỉ dành cho học sinh khiếm thị mà còn hữu ích đối với học sinh khiếm thính, khuyết tật khác. Đối với các em, được xem phim như những người bình thường là một điều hết sức tuyệt vời. Vì vậy, để nhân rộng hoạt động cho các học sinh khuyết tật, cô Vân đã đề xuất lãnh đạo Cinestar việc được kết hợp các trường chuyên biệt tại TPHCM như Trường chuyên biệt Bình Minh (quận Tân Phú), Trường chuyên biệt Hy Vọng (quận 10, quận 6) và Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Gò Vấp… đưa các em đến xem phim. Đây là một trong những hoạt động mở rộng kiến thức, xóa bỏ tự ti của bản thân, giúp các em khuyết tật sớm tự tin hòa nhập xã hội.

Việc thực hiện đề án chiếu phim miễn phí với khán giả là trẻ khuyết tật đã được hình thành khá bất ngờ. Bà Nguyễn Thị Tuyết Hạnh, thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Giải trí phát hành phim - rạp chiếu phim Cinestar, bắt đầu từ việc tham gia dự án “Hội Sách nói của người mù” cách đây nhiều năm, đồng thời qua một số hoạt động từ thiện giúp các trẻ em mù, bà và các thành viên trong Hội đồng quản trị đã nghĩ ra ý tưởng này và triển khai vào đầu năm 2016. Cinestar đã bố trí một phòng chiếu phim tiêu chuẩn khoảng 200 chỗ ngồi, mời diễn viên và tập huấn kỹ thuật lồng tiếng trực tiếp, diễn giải các phân cảnh phim để các em khuyết tật dễ hình dung, theo dõi diễn biến phim. Và sau nhiều lần tổ chức, chương trình chiếu phim đã và đang được các học sinh khiếm thị cùng các thầy cô giáo nhiệt tình hưởng ứng.

Bà Tuyết Hạnh cũng đề xuất, để duy trì lâu dài hoạt động này, cần có thêm những người đồng hành chung tay dài lâu, đặc biệt là những nhà làm phim và cung cấp phim, sẵn sàng hỗ trợ nguồn phim mới để các em có cơ hội được thưởng thức các tác phẩm điện ảnh đa dạng, nhiều thể loại. Hiện tại, Cinestar tự cân đối nguồn kinh phí để tổ chức các buổi chiếu. Tuy nhiên, nếu như có thêm các tổ chức, cá nhân và các rạp khác cùng tài trợ thì sẽ tạo nhiều cơ hội hơn các em khuyết tật ở vùng sâu, vùng xa cũng được xem phim. 

VIỆT NGA

Tin cùng chuyên mục