Thời điểm sang trang của NATO

Ngày 14-6, Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã khai mạc tại Brussels, Bỉ.
Lãnh đạo các nước dự hội nghị thượng đỉnh NATO. Nguồn: hurriyetdailynews.com
Lãnh đạo các nước dự hội nghị thượng đỉnh NATO. Nguồn: hurriyetdailynews.com

Trước thềm hội nghị, Tổng Thư ký NATO, ông Jens Stoltenberg khẳng định, đề xuất cải cách NATO 2030 sẽ là trọng tâm nghị sự của hội nghị, và đây sẽ là chương trình nghị sự xuyên Đại Tây Dương đầy tham vọng về an ninh và quốc phòng. Về phía NATO, hội nghị lần này là thời điểm quan trọng để NATO lật sang trang mới sau 4 năm mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương dưới thời Chính phủ Mỹ tiền nhiệm luôn căng thẳng khi Tổng thống Donald Trump thực hiện chính sách “nước Mỹ trước tiên” và cho rằng NATO là tổ chức “lỗi thời”.

Về phía Mỹ, giới chuyên gia đánh giá hội nghị thượng đỉnh NATO là sự kiện để Tổng thống Joe Biden nối lại vai trò dẫn đầu của Mỹ trong liên minh quân sự này sau khi bị gián đoạn dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump. Bên cạnh việc chia sẻ những giá trị và lợi ích chung, đối phó với các thách thức hiện nay như đại dịch Covid-19, vấn đề biến đổi khí hậu..., Mỹ cũng muốn củng cố liên minh truyền thống xuyên Đại Tây Dương nhằm đối phó với các đối thủ chiến lược toàn cầu, trong bối cảnh Nga tiếp tục gia tăng ảnh hưởng về phía Tây và Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, thách thức vị thế của Mỹ. Trước thềm hội nghị, Nhà Trắng cho biết, NATO sẽ đưa ra một gói sáng kiến tiếp tục đảm bảo an ninh cho người dân các nước thành viên đến năm 2030 và sau đó. Lãnh đạo các quốc gia thành viên NATO cũng nhất trí sửa đổi “khái niệm chiến lược” của liên minh nhằm định hướng “tiếp cận môi trường chiến lược diễn biến phức tạp”, trong đó có các thách thức đối với an ninh tập thể, sự thịnh vượng của khối, cũng như đối phó với những mối đe dọa xuyên quốc gia như khủng bố, tấn công mạng và biến đổi khí hậu.

Có một thực tế khá rõ ràng là các giá trị của quan hệ liên minh và đối tác luôn đóng một vai trò quan trọng trong tổng thể chính sách đối ngoại của chính phủ Tổng thống Mỹ Joe Biden. Tuy nhiên, trong khi Tổng thống Joe Biden đang tìm cách khôi phục quan hệ xuyên Đại Tây Dương thì các đồng minh ở châu Âu cũng có cách tiếp cận tương đồng. Theo giới quan sát, để nhịp cầu hai bờ Đại Tây Dương được nối lại vững chắc, lúc này cả châu Âu và Mỹ cần học lại cách tin tưởng nhau sau cú sốc mà nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Donald Trump đã gây ra cho NATO, EU trong 4 năm qua, từ đó cùng nhau giải quyết những khúc mắc còn tồn đọng trong nhiều lĩnh vực từ thương mại, an ninh, quân sự cho đến vấn đề môi trường…

Tin cùng chuyên mục