DN cần nắm rõ quy tắc xuất xứ hàng hóa
Theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, 5 tháng đầu năm 2020 có 26/27 quốc gia thuộc châu Âu đầu tư trực tiếp tại Việt Nam với 2.040 dự án. Tổng vốn đầu tư ghi nhận đạt 21,66 tỷ USD (tăng 553 triệu USD). Giá trị thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU đã tăng hơn 13 lần, từ khoảng 4,1 tỷ USD vào năm 2000 lên 56,45 tỷ USD vào năm 2019. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU đạt gần 41,5 tỷ USD và nhập khẩu từ EU đạt hơn 14,9 tỷ USD. Tuy nhiên, 7 tháng đầu năm 2020, kim ngạch hai chiều Việt Nam và EU chỉ đạt 27,8 tỷ USD, giảm 7,4% so với cùng kỳ. Tại một số thị trường xuất khẩu truyền thống như Đức, Pháp, Anh, Italy, Hà Lan, ghi nhận kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh 10%-20%. Nhiều đại biểu khẳng định, mức suy giảm này sẽ được cải thiện ngay khi dịch bệnh kết thúc nhưng khó để bắt kịp tăng trưởng của năm 2019. Hiện kinh tế EU dự kiến tăng trưởng âm 8% trong năm 2020. Do vậy, DN cũng cần chủ động xây dựng chiến lược sản xuất phù hợp.
DN cần nắm rõ quy tắc xuất xứ hàng hóa để tận dụng được tối đa lợi thế thuế suất khi xuất khẩu. Cơ bản, quy tắc xuất xứ mà EU quy định khá thuận lợi cho DN Việt. Theo đó, hàng hóa xuất khẩu sẽ được ưu đãi thuế nếu đáp ứng quy tắc xuất xứ thuần túy, xuất xứ cộng gộp (nguyên liệu sản xuất từ những nước thành viên EVFTA), xuất xứ cộng gộp mở rộng (theo nguyên tắc bạn của bạn là bạn: nguyên liệu nhập khẩu từ những nước đã ký kết FTA với EU) và quy tắc xuất xứ linh hoạt. Bộ Công thương đã đa dạng cơ chế chứng nhận quy tắc xuất xứ. DN có thể đăng ký chứng nhận xuất xứ hàng hóa form EUR1 hoặc tự chứng nhận xuất xứ (với đơn hàng không quá 6.000 EUR).
Cẩn trọng với các nguy cơ về phòng vệ thương mại
Ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công thương cho biết, lợi thế xuất khẩu đã rõ, tuy nhiên DN Việt cần chủ động ứng phó nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại. Bởi ngay khi có sự gia tăng đột biến hàng hóa xuất khẩu, EU sẽ tiến hành điều tra phòng vệ thương mại. Do vậy về phía DN, hiệp hội ngành nghề cần kết hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng trong việc kiểm soát thu hút đầu tư, tránh tình trạng lẩn tránh thuế, đánh tráo xuất xứ hàng hóa đến từ một số quốc gia khác. Bản thân DN Việt cần cải thiện nội lực sản xuất để đáp ứng tiêu chuẩn an toàn môi trường - an toàn chất lượng - trách nhiệm xã hội - xuất xứ nguồn gốc, gia nhập bền vững chuỗi cung ứng xuất khẩu vào EU.
Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cần Thơ, nhấn mạnh, hạn chế lớn nhất của DN Cần Thơ nói riêng và cả nước nói chung là quy mô sản xuất nhỏ và vừa. Các DN thiếu vốn để đổi mới đầu tư, đáp ứng kỹ thuật khắt khe của các thị trường xuất khẩu. Do đó, về dài hơi, Chính phủ cần có chương trình hỗ trợ vốn hiệu quả hơn cho DN. Ông Antonio Alessandro, Đại sứ Italy tại Việt Nam, cho rằng DN Việt nên chuẩn hóa công nghệ, dây chuyền sản xuất theo tiêu chuẩn châu Âu. Đây là giải pháp tiếp cận nhanh nhất và an toàn nhất với thị trường này. Hiện tại, đầu tư sản xuất, thương mại của DN châu Âu đang đổ mạnh vào Việt Nam. Do đó việc tiếp cận công nghệ này không khó.
Ở góc độ khác, các tham tán thương mại Việt Nam tại EU nhấn mạnh thêm, vì phần lớn DN trong nước là DN nhỏ và vừa nên ngoài duy trì xuất khẩu thị trường truyền thống cần khai thác thêm thị trường ngách của châu Âu. Đơn cử như Bắc Âu, đây là thị trường có quy mô dân số chỉ 29 triệu người nhưng kim ngạch nhập khẩu rất cao, trung bình khoảng 440 tỷ USD/năm và tăng mỗi năm 6%. Thế nhưng, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa Việt Nam vào thị trường này chỉ đạt 2,6 tỷ USD. Do vậy, cần tăng khả năng gia nhập vào thị trường này, nhất là mặt hàng nông, thủy, hải sản hữu cơ hoặc có đăng ký chỉ dẫn địa lý như gạo, cà phê, mật ong, thủy sản.
“Chính phủ và Bộ Công thương cùng hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các nước Liên minh châu Âu và Vương quốc Anh sẽ hết sức hỗ trợ các DN Việt Nam, làm cầu nối với các đối tác nước ngoài, hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thâm nhập thị trường và kinh doanh”, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng khẳng định. |