Thôi thúc kinh tế TP Hồ Chí Minh chuyển mình

Xu thế tăng trưởng xanh và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang thôi thúc kinh tế TPHCM phải chuyển mình để tiếp tục phát triển nhanh, bền vững, là đầu tàu kinh tế cả nước.
Công nhân làm việc tại Công ty TNHH SX-TM Tân Quang Minh, Khu công nghiệp Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh, TPHCM). Ảnh: HOÀNG HÙNG
Công nhân làm việc tại Công ty TNHH SX-TM Tân Quang Minh, Khu công nghiệp Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh, TPHCM). Ảnh: HOÀNG HÙNG

Còn nhiều điểm nghẽn

Sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, lại trải qua nhiều khó khăn do tác động của xung đột thế giới, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, nhưng bằng nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, người dân và đội ngũ cán bộ công chức, kinh tế TPHCM từng bước phục hồi, đạt những kết quả tích cực.

Từ mức tăng trưởng âm (-6,78%) của năm 2021, 6 tháng đầu năm 2022 TPHCM đạt mức tăng trưởng 3,82% và tăng trưởng cả năm đạt 9,03%. Đến 6 tháng đầu năm 2023, trong bối cảnh rất khó khăn của kinh tế thế giới và trong nước, TPHCM tăng trưởng đạt 3,55%. Dù vậy, nhìn tổng thể, đà tăng trưởng của TPHCM đã chậm lại, nhiều động lực giảm sút. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng giai đoạn 1996-2010 của kinh tế thành phố bình quân đạt 10,2%/năm, cao hơn 1,6 lần mức bình quân cả nước; nhưng đến giai đoạn 2011-2025 giảm xuống còn 7,22%/năm; và giai đoạn 2016-2020 chỉ còn 6,41%/năm.

Cùng với đó, chất lượng tăng trưởng kinh tế cũng không đạt mục tiêu đề ra. Hạn chế trong việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và khó khăn trong việc thăng tiến lên nấc cao hơn của chuỗi giá trị và xác lập cơ cấu kinh tế hiện đại; trong đó có yếu tố hoạt động của các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao chưa có sự đột phá, chưa thu hút được nhiều tập đoàn lớn. Sự vượt trội của kinh tế thành phố so với cả nước ở một số mặt đã chậm lại; hệ thống giao thông, hạ tầng chưa có bước đột phá, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.

Quá trình phát triển kinh tế - xã hội cũng tạo ra cho thành phố nhiều áp lực lớn đối với môi trường sinh thái. TPHCM đang chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, ô nhiễm không khí, tiếng ồn… ngày càng gia tăng. Một số điểm nghẽn trong thể chế, hạ tầng, chi phí thuê đất, chi phí logistics… phần nào ảnh hưởng thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công, dù rất nỗ lực và áp dụng nhiều biện pháp, nhưng năm 2022 TPHCM vẫn xếp vào nhóm các địa phương giải ngân thấp nhất cả nước. Đến hết tháng 8-2023, thành phố cũng mới giải ngân được 28% vốn đầu tư công, trong khi mục tiêu đề ra từ đầu năm là hết tháng 6 phải đạt 35%.

Kinh tế xanh - con đường tất yếu

Với Nghị quyết 98/2023/QH15 (Nghị quyết 98) về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM được Quốc hội ban hành và có hiệu lực từ 1-8, đã mở ra nhiều cơ hội cho TPHCM khơi thông nguồn lực và tạo đà phát triển mạnh mẽ trở lại.

TS Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế, nhìn nhận, Nghị quyết 98 đã tháo được điểm nghẽn về thể chế, hạ tầng, từ đó kéo theo những điểm nghẽn khác cũng sẽ dần được tháo gỡ. Trong đó, những yếu tố như tài chính xanh, thị trường tín chỉ carbon (những yếu tố rất mới đối với kinh tế TPHCM), đã được đề cập và nhận được nhiều góp ý tâm huyết từ các chuyên gia, nhà khoa học và cộng đồng doanh nghiệp.

Tại buổi hội thảo mới đây do Báo SGGP tổ chức, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh nhận thức của TPHCM, đó là thành phố cần nắm bắt xu hướng chuyển đổi xanh, thúc đẩy chuyển đổi xanh tạo không gian mới, động lực mới, năng lực cạnh tranh mới cho năng lực kinh tế thành phố, đóng góp cho kinh tế cả nước.

Đồng chí Phan Văn Mãi nêu ra “những thúc bách từ bên trong” của TPHCM, như: giảm dần động lực tăng trưởng, biến đổi khí hậu, chất lượng cuộc sống, an ninh năng lượng, bảo tồn, phát triển đa dạng sinh học. Theo Chủ tịch UBND TPHCM, đây là những vấn đề nội tại mà nếu không chuyển đổi xanh, không có chiến lược bài bản, chính sách cụ thể lâu dài thì chắc chắn kinh tế TPHCM sẽ không có năng lực cạnh tranh mới, không thể đóng góp tốt cho kinh tế cả nước.

Không chỉ là những “thúc bách từ bên trong”, mà bên ngoài cũng đang có rất nhiều áp lực để buộc kinh tế Việt Nam nói chung và TPHCM phải chuyển mình theo hướng xanh một cách nhanh chóng hơn. Nhiều nước phát triển (những thị trường xuất khẩu chính của chúng ta) đang áp dụng ngày càng nhiều hơn những rào cản kỹ thuật để ngăn những sản phẩm không “xanh” vào thị trường. Và ngay từ tháng 10 năm nay, Liên minh châu Âu cũng sẽ áp dụng thí điểm Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), sau đó áp dụng chính thức từ năm 2026. Việc này làm tăng chi phí xuất khẩu và sự sụt giảm đã được dự báo rất chi tiết. Chẳng hạn, các công ty nhôm, thép có thể giảm đến 4% xuất khẩu, kéo theo sản lượng giảm khoảng 0,4%-0,8%.

Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 26 (COP26) diễn ra tháng 11-2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra cam kết của Việt Nam, giảm 30% lượng phát thải khí mê-tan gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030, giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Để hiện thực cam kết này, Chương trình tăng trưởng xanh đã được cụ thể hóa thông qua “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050”. Trong đó, khẳng định tăng trưởng xanh giúp sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần xóa đói giảm nghèo và tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững. Triển khai chiến lược quốc gia, TPHCM cũng đã phê duyệt Kế hoạch thực hiện “Chiến lược tăng trưởng xanh hướng đến phát triển bền vững trên địa bàn TPHCM đến năm 2030”. TPHCM đã nghiên cứu khung chiến lược chuyển đổi xanh, phát triển bền vững.

Diễn đàn Kinh tế năm 2023 là “sân chơi” lớn, tạo cơ hội kết nối, tiếp thu những chia sẻ kinh nghiệm quý báu từ thực tiễn trong nước và quốc tế. Qua các ý kiến đóng góp, kinh nghiệm thực tế của các chuyên gia, các nhà khoa học, các tổ chức, các doanh nghiệp trong và ngoài nước, các địa phương quốc tế… về tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn; TPHCM sẽ ghi nhận những kiến nghị giải pháp cụ thể để áp dụng cho mô hình tăng trưởng xanh phù hợp với điều kiện thực tiễn và bắt kịp xu thế của thế giới, đồng thời kiến nghị Chính phủ những mô hình, giải pháp, chính sách ở tầm vĩ mô. Đối với cộng đồng doanh nghiệp, sẽ có cái nhìn sâu sắc hơn, kết nối rộng hơn, có những kiến nghị với thành phố nhằm tháo gỡ khó khăn để thành phố đồng hành cùng doanh nghiệp.

Tin cùng chuyên mục