Thời trang nội tìm hướng cạnh tranh với hàng ngoại

Lộ trình giảm thuế của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới khiến doanh nghiệp may thời trang nội địa phải đẩy nhanh tốc độ nâng chất lượng, mẫu mã và mạng lưới kênh phân phối để giành thị phần.

Giới kinh doanh ngành hàng may mặc đánh giá, theo cam kết của hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết, thuế nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam sẽ về 0%. Như vậy sẽ có làn sóng hàng thời trang ngoại đổ bộ vào Việt Nam. Không phải đợi đến các hiệp định, mà mấy năm gần đây các nhãn hàng thời trang may mặc cũng đã lần lượt tiến vào thị trường Việt Nam. 

Như chia sẻ từ các doanh nghiệp may thời trang, cận nhất có thể là năm 2020-2023 sẽ có rất nhiều thương hiệu thời trang ngoại tìm đường vào Việt Nam. Trong khi đó, tâm lý người tiêu dùng Việt vốn thích “sính ngoại” nên ngành may thời trang của Việt Nam sẽ có đối thủ cạnh tranh trên sân nhà.

Chẳng đâu xa, ngay doanh nghiệp có tiếng như May An Phước, cùng là sản phẩm do doanh nghiệp này sản xuất ra nhưng nhãn hàng Pierre Cardin (do An Phước mua bản quyền của nước ngoài) lại được ưa chuộng hơn hẳn nhãn hàng An Phước.

Điều này cho thấy người Việt vẫn còn tâm lý “sính ngoại” nhiều. Đây cũng là điều dễ hiểu khi nhiều thương hiệu thời trang ngoại như Zara, H&M, Topshop, Old Navy… đổ bộ và cạnh tranh trực tiếp với thời trang Việt. 

Về phía Tập đoàn Dệt may Việt Nam, trong định hướng sắp tới, tập đoàn sẽ xây dựng thời trang mang bản sắc Việt hiện đại, có giá trị sử dụng cao để sản phẩm đi sâu vào nhân trắc học của người Việt.

Việc làm này được thể hiện qua sự thiết kế các sản phẩm thời trang riêng theo số đo của người Việt. Bên cạnh đó, ngành sẽ tập trung hơn vào việc mở rộng kênh phân phối tiêu thụ, thay vì chỉ tập trung ở các đô thị, thành phố lớn thì sẽ lan tỏa về nông thôn.

Tin cùng chuyên mục