

Hội nghị quốc tế về khủng hoảng cúm gia cầm tại Geneva (Thụy Sĩ) đã kết thúc với đề xuất các biện pháp mạnh mẽ nhằm đối phó với virus H5N.
Cuộc họp với sự tham gia của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Lương nông LHQ, đã diễn ra trong không khí lo ngại rằng virus H5N1 có thể biến thể thành dạng lây truyền dễ dàng từ người sang người và gây ra đại dịch toàn cầu.
Trong phiên bế mạc, ông David Nabarro, người mới được bổ nhiệm làm điều phối viên LHQ về cúm gia cầm, tuyên bố: "Tại hội nghị này chúng tôi đã đạt được đồng thuận về những công việc sẽ phải thực hiện. Chúng tôi đã xác định rõ các tiêu chí hàng đầu là gì và bắt đầu tổ chức một chiến dịch phối hợp chưa từng có trong ngành y tế thế giới."

Kế hoạch hành động mà hội nghị đưa ra đã kêu gọi cải thiện công tác giám sát thú y. Các gia cầm chết đều phải được xem xét và báo cáo kết quả trong vòng 24 tiếng đồng hồ.
Cùng lúc, chiến lược phòng chống dịch cúm ở người cũng sẽ được nghiên cứu và thử nghiệm. Điều đó có nghĩa đặt ra các tình huống thực tế để quyết định ngay từ bây giờ cách thức đối phó.
Các nước châu Á và châu Phi, nơi còn thiếu cơ sở thí nghiệm và dịch vụ thú y, nơi ngành y tế còn non yếu; cần trợ giúp bên ngoài để có thể tiến hành các chương trình hành động này. Cho tới nay đã có 63 người ở châu Á thiệt mạng về cúm gia cầm.
Vào tháng 1-2006, một hội nghị khác sẽ được tổ chức tại Bắc Kinh (Trung Quốc) để kêu gọi ngân quỹ cho việc phòng cúm.
H.N (Theo VTV)