Ngay sau khi Báo SGGP đăng tải bài “Kịch bản Tây Sơn hào kiệt của Phạm Thùy Nhân?” thì 9 giờ sáng ngày 5-3-2009, Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch TPHCM đã tổ chức cuộc họp để giải quyết vấn đề này. Cuộc họp dưới sự chủ trì của ông Nguyễn An Long, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL và các thành viên tham gia gồm ông Nguyễn Huy Thành, Chủ tịch Hội Điện ảnh TPHCM, ông Cao Đức Trường và ông Võ Trọng Nam, Trưởng phòng Nghệ thuật thuộc Sở VH-TT-DL. Chúng tôi xin trích đăng một số điểm chính từ biên bản cuộc họp này:
Do ông Phạm Thùy Nhân bận công tác nên ủy nhiệm cho ông Huy Thành dự họp và phát biểu thay mặt ông Phạm Thùy Nhân, nêu lên quan điểm của ông về vấn đề tác giả của kịch bản như sau: “Trước nay, 3 tác giả Cao Đức Trường, Phạm Thùy Nhân và Huy Thành có viết chung kịch bản “Sắc đào giữa rừng mai” (nay đổi tên là “Ngàn năm thương nhớ”) để tham dự cuộc phát động chương trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long. Nay kịch bản được viết lại dưới tên “Tây Sơn hào kiệt” thì vẫn phải tiếp tục được đề tên của 3 tác giả như trước nay”.
Ý kiến ông Cao Đức Trường: “Tôi đề nghị phục hồi tên tuổi tác giả theo đúng hợp đồng đã ký kết trước đây: Cao Đức Trường, Phạm Thùy Nhân, Huy Thành… Tên tác giả trong kịch bản Ngàn năm thương nhớ đã thay đổi: Phạm Thùy Nhân được đặt trước tên Cao Đức Trường. Tôi đề nghị khi thực hiện phim, phần Générique phải đề tên đúng theo thứ tự ấy… Đồng thời nên có buổi làm việc giữa nhà sản xuất và các tác giả đã ký hợp đồng chứ không thể một mình ông Phạm Thùy Nhân ký kết. Trong quá trình thực hiện phim, tôi được quyền có ý kiến về một số chi tiết để điều chỉnh cho thỏa đáng, phù hợp với tính chân thật của lịch sử.
Ông Huy Thành: Tôi đã nghiên cứu và đã chỉnh sửa nên đã bỏ tên Bùi Thị Xuân trong kịch bản. Sau này khi làm phim, các tác giả vẫn có quyền trao đổi góp ý thêm với đạo diễn ở góc độ là một trong các tác giả của kịch bản này. Về vấn đề ký hợp đồng, tôi sẽ trao đổi thêm với nhà sản xuất, nhưng về nguyên tắc việc ký kết hợp đồng sản xuất thì Hội Điện ảnh mới có thẩm quyền vì đây là kịch bản do hội đặt hàng…
Ông Cao Đức Trường: Theo hợp đồng, lúc đầu kịch bản sẽ do Hãng phim Bến Nghé sản xuất, nhưng bây giờ thay đổi, Hãng Lý Huỳnh thực hiện, do đó cần có sự gặp gỡ giữa Hãng phim Lý Huỳnh và các tác giả cho rõ ràng, minh bạch.
Ông Huy Thành: Tôi sẽ làm việc với nhà sản xuất để đôi bên gặp gỡ… Về việc sắp xếp lại thứ tự tên tác giả tôi sẽ trao đổi thêm với anh Phạm Thùy Nhân. Về việc gặp gỡ giữa nhà sản xuất và các tác giả, Hội Điện ảnh sẽ đứng ra tổ chức.
Ông An Long: Sau cuộc họp này, đề nghị Hội Điện ảnh sẽ thực hiện tiếp phần còn lại và sớm có văn bản gửi về sở.
Cuộc họp giải quyết vấn đề tác giả kịch bản Tây Sơn hào kiệt diễn ra khá suôn sẻ và chỉ gói gọn trong một tiếng đồng hồ. Bởi ông Huy Thành là người đã chứng kiến và hiểu hết vấn đề này ngay từ đầu, ông chính là người đặt hàng ông Cao Đức Trường viết kịch bản phim dã sử Sắc đào giữa rừng mai phỏng theo vở hát bội Đào mai tương ngộ của tác giả Cao Đức Trường, cho nên hơn ai hết ông hiểu ai là người chấp bút đầu tiên để có kịch bản Ngàn năm thương nhớ đem đi dự thi chương trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, và sau này được viết lại với tên Tây Sơn hào kiệt…
Mọi việc đã quá rõ ràng. Và đúng như lời kết luận của ông An Long trong cuộc họp, phần tiếp theo để giải quyết dứt điểm vấn đề này chính là việc của Hội Điện ảnh TPHCM…
Nguyên Phương