
Hôm qua, 2-2, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã cắt băng thông xe cầu Thanh Trì (phần cầu chính) bắc qua sông Hồng, đưa cây cầu bê tông cốt thép dự ứng lực lớn nhất Việt Nam đi vào sử dụng.

Phát lệnh thông xe cầu Thanh Trì, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, đây là cây cầu có vốn đầu tư, khối lượng xây dựng lớn, với công nghệ tiên tiến hàng đầu Việt Nam.
Việc hoàn thành, đưa vào sử dụng cầu Thanh Trì có ý nghĩa quan trọng về nhiều mặt, không chỉ giao thông mà cả về phát triển kinh tế – xã hội của thủ đô Hà Nội, khu vực phía Bắc và cả nước.
Thủ tướng yêu cầu Bộ GT-VT, các đơn vị có liên quan và TP Hà Nội tiếp tục làm tốt các hạng mục còn lại để toàn bộ cây cầu sớm đưa vào sử dụng, khai thác hiệu quả.
Bên cạnh đó, cần phát huy kết quả đạt được của dự án cầu Thanh Trì, làm tốt nhiệm vụ xây dựng cầu Vĩnh Tuy, cầu Nhật Tân bắc qua sông Hồng, chào mừng 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Dự án cầu Thanh Trì có tổng vốn đầu tư 5.700 tỷ đồng, điểm đầu tại Pháp Vân (QL1A) và điểm cuối tại thị trấn Sài Đồng, Gia Lâm (giao cắt QL5) với tổng chiều dài 12,8 km, trong đó chiều dài cầu chính vượt sông (gói thầu số 1) dài 3.084m, rộng 33,1m.
Cùng với đường vành đai III Hà Nội, cầu Thanh Trì nối thông 5 quốc lộ (QL1, QL2, QL3, QL5 và QL1A mới), liên kết vùng tam giác kinh tế Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh với trục giao thông Bắc – Nam. Cầu Thanh Trì cũng góp phần giải tỏa sức ép giao thông đang đè nặng lên cầu Chương Dương (Hà Nội), phân bổ và giảm bớt đáng kể lưu lượng xe, nhất là xe tải, lưu thông qua nội thành thủ đô.
Cầu Thanh Trì (gói thầu số 1) đã được nhà thầu liên danh Obayashi – Sumitomo (Nhật Bản) hoàn thành theo đúng tiến độ (28-11-2006). Trong quá trình xây dựng cây cầu, nhiều đơn vị xây dựng của Việt Nam tham gia liên danh đã cùng với các nhà thầu chính Nhật Bản áp dụng thành công những công nghệ xây dựng cầu tiên tiến nhất trên thế giới hiện nay: công nghệ đúc dầm cầu sử dụng đà giáo di động (MSS) lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam; công nghệ thi công bệ móng trụ cầu chính bằng vòng vây cọc ống thép; công nghệ đúc hẫng cân bằng dầm cầu chính liên tục chiều dài nhịp 130m…
Mặc dù phần cầu chính đã xong, nhưng việc xây dựng đường dẫn hai đầu cầu chưa hoàn thành, vì vậy, các phương tiện sẽ qua cầu bằng đường dẫn tạm. Theo phương án phân luồng giao thông đã được Sở GTCC Hà Nội phê duyệt, tại bờ Bắc cầu (phía thị trấn Sài Đồng) các loại phương tiện (không hạn chế tải trọng) từ QL5 đi QL1 đều được phép qua cầu Thanh Trì.
Với chiều ngược lại, các phương tiện từ phía Nam đi ra có trọng tải dưới 13 tấn lên cầu theo đường đê Hữu Hồng tại dốc Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai).
B.MINH