Thu hồi đất công xây trường học - Hành trình gian nan

Trường mới - diện mạo mới
Thu hồi đất công xây trường học - Hành trình gian nan

Nếu không có quyết tâm, sự kiên trì đeo bám của các cấp chính quyền địa phương, sự chỉ đạo rốt ráo của UBND TPHCM trong việc thu hồi mặt bằng, kho bãi sử dụng sai mục đích thì tốc độ đầu tư, xây mới trường lớp ở TPHCM rất khó thực hiện.

Niềm vui của học sinh Trường THCS Lý Thánh Tông.

Niềm vui của học sinh Trường THCS Lý Thánh Tông.

Trường mới - diện mạo mới

Trong năm học mới này, được dạy và học trong ngôi trường mới khang trang, quy mô lớn nhất quận 8, thầy và trò Trường THCS Lý Thánh Tông đều cảm thấy tự hào. Trên diện tích lý tưởng 12.000m2, trường được đầu tư đầy đủ phòng chức năng, nhà thi đấu đa năng, bếp ăn hiện đại, hội trường có sức chứa 300 người… Với tổng kinh phí đầu tư 78 tỷ đồng, trường có 42 phòng học, đón nhận 1.348 học sinh trong khu vực.

Như bộc bạch của thầy hiệu trưởng Vũ Hồng Sơn, nhờ sự nỗ lực của lãnh đạo quận 8, thầy trò và nhân dân vùng ven quận nhà đã có được ngôi trường mơ ước. Tự hào về điều này, thầy và trò không chỉ nỗ lực dạy tốt, học tốt hơn mà còn nuôi kỳ vọng xây dựng thương hiệu của trường vươn xa hơn. Ngoài dự án thu hồi đất công này, quận 8 còn khánh thành đưa vào sử dụng thêm Trường TH Bùi Minh Trực, Lưu Hữu Phước và mở rộng Trường Ngô Gia Tự…

Theo ông Lê Quỳnh Đài, Phó Chủ tịch UBND quận 8, trăn trở vì học sinh trên địa bàn quận thiếu chỗ học, thiếu môi trường học đường đạt chuẩn như nhiều quận khác, lãnh đạo địa phương đã kiên quyết đeo bám, lấy lại nhiều mặt bằng kho bãi sử dụng sai mục đích để xây thêm trường lớp. Cùng với quyết tâm, sự kiên trì tháo gỡ từng dự án, quận nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ các sở, ngành chức năng của TP. Nhờ vậy đã thu hồi được nhiều mặt bằng có diện tích lớn để xây trường, tạo sự đột phá trong phát triển giáo dục trên địa bàn.

Tương tự, quận Bình Tân cũng là một trong những địa phương thu hồi được nhiều mặt bằng để phục vụ ngành  giáo dục. Chỉ tính riêng năm học 2010 - 2011, quận đã thu hồi được 10 dự án đất và đầu tư xây mới 10 ngôi trường với trên 300 phòng học dành cho bậc mầm non, tiểu học và THCS. Nhờ sự bứt phá này, quận đã giảm đáng kể áp lực thiếu chỗ học đối với địa bàn có trên 600.000 dân số, trong đó tỷ lệ dân nhập cư tăng rất nhanh.

Không những thế, nhiều ngôi trường mới khang trang, có quy mô lớn mọc lên trên những dự án thu hồi đất có diện tích rộng hàng ngàn mét vuông cũng góp phần tạo diện mạo mới cho ngành giáo dục quận Bình Tân.

Tại quận 4, nhờ đeo bám đến cùng, quận đã thu hồi được 2 mặt bằng có diện tích lớn từ đất kho bãi để đầu tư xây mới 2 ngôi trường đạt chuẩn. Đó là Trường Tiểu học Xóm Chiếu và THCS Nguyễn Hữu Thọ. Tọa lạc trên đường Bến Vân Đồn - cách trung tâm TP chỉ một con kênh, ngôi trường có khuôn viên rộng trên 11.000m2 mang tên nhà trí thức yêu nước, luật sư Nguyễn Hữu Thọ mới khánh thành trong năm học mới này trở thành điểm nhấn đột phá của ngành giáo dục quận 4.

Kiên trì đeo bám dự án

Trước thực tế quỹ đất xây trường học ngày càng khan hiếm và áp lực tăng chỗ học ngày một lớn thì việc thu hồi thành công nhiều dự án đất công có vị trí đắc địa, diện tích lớn dành cho giáo dục là thành quả đáng ghi nhận ở các quận.

Theo nhiều vị trưởng ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình quận, hành trình đeo bám đòi lại dự án đất công sử dụng sai mục đích để xây dựng trường học rất gian nan. Nhiều khi chủ trương của TP đến quận và ra tới Trung ương đã thông, nhưng phải mất vài năm đến cả chục năm mới thu hồi được mặt bằng. Vì quyền lợi kinh tế, nhiều đơn vị thuộc các bộ, ngành trung ương cứ dây dưa không muốn giao lại mặt bằng, hoặc “trả giá” để kéo dài thời gian chiếm dụng, nhất là những khu đất vàng.

Ông Bùi Thanh Tân, nguyên Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình quận 4, nhớ lại: Hành trình lấy lại mặt bằng xây dựng Trường THCS Nguyễn Hữu Thọ khá gian nan. Đây là kho hàng có diện tích lớn thuộc 12 đơn vị của TP và Trung ương sử dụng và quận phải kiên trì đeo bám, tháo gỡ từng hồ sơ liên quan đến thủ tục pháp lý ở tận Hà Nội.

Nhắc tới dự án thu hồi mặt bằng của Trường THCS Lý Thánh Tông, Phó Chủ tịch UBND quận 8 Lê Quỳnh Đài cho biết: “Nhiều năm liền đeo bám dự án và nhất quyết không để sứt mẻ mét đất nào, chúng tôi đã giữ được tổng diện tích 12.000m2 để xây trường học quy mô, khang trang như mong ước của người dân địa phương”. Do tiếc đất vàng ở khu đô thị mới, đơn vị chủ quản mảnh đất này cứ kỳ kèo, trả giá và đòi quận phải chia lại 5.000m2 làm chung cư mới chịu di dời. Tuy vậy, quận 8 vẫn đang gặp khó khăn trong việc tạo quỹ đất, thu hồi mặt bằng đất công dành cho giáo dục.

Từ năm 2004, UBND TPHCM đã có quyết định thu hồi mặt bằng của Công ty cổ phần Bao bì Dược (số 89 Nguyễn Đình Chiểu phường 4 quận Phú Nhuận) để xây trường học theo quy hoạch. Thế nhưng, phải mất gần 10 năm gian khổ quận Phú Nhuận mới lấy lại mặt bằng này vì đơn vị dây dưa, trì hoãn việc trả lại khu đất vàng rộng 7.600m2. Tuy đã  có mặt bằng nhưng ngôi trường mong ước của quận chưa thể khởi động xây mới vì chờ ghi vốn.

Những năm qua, thực hiện chủ trương của TP về quy hoạch mạng lưới trường học, nhiều quận, huyện đã quan tâm dành quỹ đất để xây trường mới, tạo chỗ học mới và từng bước cải tạo, cơ sở vật chất, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Bình quân, mỗi năm toàn TPHCM có thêm gần 20 ngôi trường ở các bậc học được khánh thành, tạo thêm khoảng 1.600 chỗ học mới, với tổng kinh phí do ngân sách TP cấp trên 2.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, áp lực thiếu chỗ học do tốc độ tăng dân số cơ học vẫn chưa giảm và mục tiêu giảm sĩ số lớp học ở các bậc học vẫn là thách thức lớn đối với ngành giáo dục TP. Tuy trường mới khang trang đạt chuẩn được xây thêm nhiều nhưng nhiều quận, huyện vẫn phải đối mặt với thực tế trường không ra trường, lớp không ra lớp còn chiếm tỷ lệ không nhỏ. Ở các quận nội thành như 1, 3, 4, 5, 10… có hàng trăm ngôi trường có diện tích nhỏ hẹp, thiếu phòng học, sân trường, mảng xanh…

Thế nhưng, muốn cải tạo, xây mới không dễ vì thiếu quỹ đất, thiếu kinh phí đền bù giải tỏa. Chính vì thế, để quy hoạch trường lớp đạt chuẩn tối thiểu theo quy định rất cần sự quan tâm rốt ráo của TPHCM, các sở ngành chức năng trong việc tạo quỹ đất, ưu tiên diện tích đất đủ chuẩn để xây trường.

KHÁNH BÌNH

Tin cùng chuyên mục