Thu hút đầu tư nước ngoài: Cơ hội lớn nếu tiếp tục cải cách

Ngày 20-3, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã công bố kết quả khảo sát Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Joakim Parker, Giám đốc Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam, đơn vị hợp tác cùng VCCI trong dự án này về một số vấn đề đang thu hút sự quan tâm của bạn đọc.
Thu hút đầu tư nước ngoài: Cơ hội lớn nếu tiếp tục cải cách

Ngày 20-3, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã công bố kết quả khảo sát Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Joakim Parker, Giám đốc Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam, đơn vị hợp tác cùng VCCI trong dự án này về một số vấn đề đang thu hút sự quan tâm của bạn đọc.

        Minh bạch có vai trò trung tâm

* PV: Xin ông cho biết những thông tin mới nhất về cuộc khảo sát vừa qua của USAID đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)?

* Ông JOAKIM PARKER:
Một phần quan trọng khi thực hiện khảo sát PCI là tiến hành khảo sát trên 1.600 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đánh giá cảm nhận về chất lượng điều hành tại các tỉnh, thành cũng như môi trường đầu tư kinh doanh nói chung của Việt Nam. Niềm tin của các doanh nghiệp này dường như có giảm so với các doanh nghiệp trong nước khi đề cập đến kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh.

Tôi cho rằng Việt Nam có cơ hội lớn nếu tiến hành cải cách trong những năm tới để thu hút thêm lượng lớn các đầu tư hiện còn đang “đứng ngoài hàng rào” (có tâm lý chờ đợi) khi họ đang cân nhắc nhiều lợi thế tại Việt Nam nhưng cũng lo ngại về dịch vụ công và chất lượng cơ sở hạ tầng và chất lượng lao động của lực lượng sinh viên tốt nghiệp đại học.

Sản xuất linh kiện điện thoại xuất khẩu tại Công ty Sonion trong KCN TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Sản xuất linh kiện điện thoại xuất khẩu tại Công ty Sonion trong KCN TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

* Ông đánh giá như thế nào về vai trò minh bạch đối với thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam?

* Minh bạch có vai trò trung tâm. Minh bạch tạo ra sự đối thoại giữa các doanh nghiệp và chính quyền và điều này rất quan trọng để thu hút thêm đầu tư và cũng giúp các công ty tăng cường tuân thủ luật pháp và các quy định, điều này có vai trò quan trọng đối với Việt Nam. Và như vậy minh bạch đóng góp đối với sự tăng trưởng của Việt Nam theo nhiều cách khác nhau.

* USAID hợp tác với Chính phủ Việt Nam để giúp tăng cường tính minh bạch trong xây dựng luật pháp, nâng cao trách nhiệm giải trình, cải thiện tình hình tiếp cận thông tin và tăng khả năng cạnh tranh. Vậy từ kết quả PCI 2013, theo ông USAID sẽ hỗ trợ cụ thể như thế nào để môi trường đầu tư của Việt Nam có bước tiến đột phá?

* Chúng tôi đánh giá cao cơ hội tham gia vào quá trình đối thoại giữa khu vực tư nhân và Chính phủ Việt Nam thông qua PCI. Sự đột phá sẽ đến sớm, theo tôi đột phá lớn nhất của Việt Nam sẽ là Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong năm nay. Hỗ trợ của USAID, trong đó có thông qua dự án Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện được công bố hồi tháng 1-2014, sẽ góp phần giúp Việt Nam tận dụng được tất cả các cơ hội do các hiệp định thương mại như TPP mang đến. Cụ thể, có các cơ hội để USAID hỗ trợ trong các lĩnh vực thuế và hải quan, giảm gánh nặng về luật pháp và chính sách, tăng cường sự tham gia của công chúng vào quá trình xây dựng chính sách và cải thiện minh bạch sâu rộng hơn nữa.

        Các tỉnh phản ứng rất tích cực

* Ở góc độ là nhà quan sát, theo ông Việt Nam cần tập trung cải thiện ngay những nội dung nào để tránh tụt hậu về mức độ hấp dẫn môi trường đầu tư kinh doanh với các nước trong khu vực?

* Việt Nam ngày càng có nhiều đối thủ cạnh tranh trong khu vực, trong đó có Trung Quốc, Philippines và Myanmar. Trong 10 năm qua, Việt Nam đã có sự tăng trưởng ấn tượng và chúng ta có thể thấy chất lượng điều hành được đo bằng chỉ số PCI đã được cải thiện. Tuy nhiên, cũng còn có những lĩnh vực như thuế và hải quan cần thực hiện những cải cách quan trọng. Cũng có những lĩnh vực khác mà USAID sẽ hỗ trợ Việt Nam cải cách theo các cam kết trong khuôn khổ TPP. Tôi cũng cho rằng quá trình đối thoại giữa khu vực tư nhân và các nhà hoạch định chính sách, trong đó có sự tham gia của PCI, cũng là một vấn đề quan trọng.

* Là đối tác thực hiện PCI trong nhiều năm qua, ông nhận định như thế nào về tác động của PCI đối với Việt Nam?

* Tại Việt Nam, chỉ số PCI có tác động rất khả quan. Khi làm việc và trao đổi với các tỉnh, chúng tôi luôn đưa ra vấn đề chỉ số PCI và các tỉnh phản ứng rất tích cực về vấn đề này, kể cả ở những nơi mà chỉ số PCI đem đến những thách thức. Chỉ số PCI cũng được tham khảo để đưa ra quyết định đầu tư vào đâu. Chúng tôi tiếp tục hỗ trợ PCI thông qua hợp tác trực tiếp với VCCI dựa trên hiệu quả của công cụ PCI với vai trò là cầu nối đối thoại gián tiếp giữa cộng đồng doanh nghiệp và Chính phủ.

THANH THANH (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục