Đầu tiên là cách tổ chức của những nhà đầu tư khai thác du lịch (DL) Đắc Lắc. Ngay cửa ngõ ra vào bản Đôn, Công ty Biệt Điện (đơn vị gần như độc quyền trong khai thác DL khu vực này) cho dựng những bảng quảng cáo “khổng lồ”, bao vây và che khuất cả những khu nhà dài của người dân tộc Êđê - nét đặc trưng của bản Đôn, phá vỡ cảnh quan một cách thiếu thẩm mỹ và khó chịu.
Tiếp theo là việc thu phí tùy tiện. Hướng dẫn viên của Biệt Điện đưa đoàn chúng tôi đến tham quan khu mộ của những vua săn voi trong Bản Đôn. Không thấy ai bán vé, không hề có những mẫu giấy hoặc biên nhận cho biết tham quan khu vực này phải đóng tiền, nhưng hướng dẫn vẫn thu phí 55.000 đồng cho 4 người tham quan, chẳng biết dựa trên cơ sở nào, nếu chia ra thì cũng không biết là một người phải đóng phí bao nhiêu cho điểm tham quan này. Đó là chưa kể tiền phí đậu xe, phí dịch vụ… không có biên nhận gì cả.
Tiết mục biểu diễn cồng chiêng được xem là “hạt nhân” trong DL Tây Nguyên được chúng tôi rất chờ đợi. Dù giá trên trời, 1 triệu đồng cho 1 xuất giao lưu văn hóa cồng chiêng với đội múa hơn 10 người cũng do Công ty Biệt Điện tổ chức trong vòng 1 giờ đồng hồ, chưa kể thịt nướng cơm lam giá tính riêng cũng ngất ngưởng, nhưng quá tha thiết với văn hóa Tây Nguyên, chúng tôi cũng vui vẻ chấp nhận.
Nhưng khác hẳn với tưởng tượng của chúng tôi về một điệu múa nồng nàn, say đắm và đam mê của những chàng trai cô gái núi rừng, đội múa của Công ty Biệt Điện đi lại quanh đống lửa như những bóng người vô hồn, không một chút cảm xúc. Trang phục dân tộc thì người mặc kiểu này người mặc kiểu khác, có người mặc bộ đồ thường rồi khoác đại chiếc áo thổ cẩm cho có kiểu, nhìn chẳng giống ai. Từng tiếng chiêng, tiếng trống vang lên rời rạc. Các cô gái thì vừa múa vừa càu nhàu: “Nhanh nhanh lên, xem gì mà xem lâu thế, mỏi muốn chết”(?!).
Ế khách, không có thu nhập, các dịch vụ đầu tư cho DL cũng dần xuống cấp. Nhìn mô hình những ngôi nhà dài của người Êđê được xây dựng trong khu vực hồ Lak bị bỏ hoang, xuống cấp trầm trọng, chỉ toàn là rác và bụi vương vãi phía trước phía sau, chúng tôi đều có chung một ý nghĩ: Những nhà quản lý ở đây đang làm gì? Chẳng ai có câu trả lời.
Cả nước đang chung tay phát triển DL. Ở những nước láng giềng, dù chẳng có mấy tài nguyên, nhưng sự chuyên nghiệp và tận tâm trong khai thác DL đã đem lại những nguồn lợi khổng lồ hàng năm cho quốc gia. Bài học đó hết sức thiết thực và bổ ích.
Vậy mà, là một trong những miền đất đậm nét văn hóa và giàu tiềm năng DL như Tây Nguyên, sản phẩm DL còn khiến ngay du khách Việt Nam chán ngán, thì làm sao hài lòng được du khách quốc tế. Và miền đất đậm nét văn hóa này sẽ đến đâu nếu tiếp tục kéo dài tình trạng đáng lo ngại này?.
HỒ ĐẠI MINH