Làm rõ quan điểm của Triều Tiên
Theo ông Kim Taewoo, cựu Chủ tịch Viện Thống nhất quốc gia Hàn Quốc, một số trục trặc trong đàm phán giữa Washington và Bình Nhưỡng mấy tuần gần đây làm dấy lên nghi ngại về tiến hình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, khả năng Triều Tiên thực sự sẵn sàng từ bỏ vũ khí hạt nhân. Điều này một lần nữa đặt sức ép lên vai của “nhà trung gian” Moon Jae-in.
Kết quả của hội nghị thượng đỉnh lần này là chỉ dấu quan trọng cho các cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ trong tương lai sẽ được tiến hành thế nào. Tổng thống Hàn Quốc phải cố gắng gợi mở để nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un làm rõ hơn quan điểm liệu Bình Nhưỡng đã sẵn sàng từ bỏ vũ khí hạt nhân - động lực tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai giữa Mỹ và Triều Tiên trong tương lai. “Nếu phía Triều Tiên đến hội nghị với thiện chí, ông Moon Jae-in có thể ra về với một kết quả tốt. Tuy nhiên, khả năng đó khá thấp”, ông Kim Taewoo nói.
Theo cựu Chủ tịch Viện Thống nhất quốc gia Hàn Quốc, ông Moon Jae-in phải làm mọi cách để nhà lãnh đạo Kim Jong-un đưa ra tín hiệu rõ ràng hơn về việc sẵn sàng có những hành động cụ thể hướng tới phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, chẳng hạn như cung cấp mô tả chi tiết về chương trình hạt nhân Triều Tiên, bước quan trọng đầu tiên hướng tới việc thanh tra và tháo dỡ. Tuy nhiên, quan điểm của Bình Nhưỡng lâu nay về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên khác với định nghĩa của Washington về vấn đề này. Triều Tiên tuyên bố sẽ tiếp tục phát triển hạt nhân cho đến khi Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc cũng như từ bỏ chiếc ô hạt nhân bảo vệ đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản. Chính sự khác biệt này giữa Washington và Bình Nhưỡng là nguồn cơn Mỹ hủy chuyến thăm của ngoại trưởng nước này đến Triều Tiên hồi tháng trước.
Cụ thể hóa bằng văn bản
Tuyên bố về việc chính thức chấm dứt chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) sẽ là một trong những vấn đề chính trong chương trình nghị sự của hội nghị lần này. Cả Seoul và Bình Nhưỡng đều khẳng định muốn có tuyên bố chấm dứt chính thức chiến tranh vào cuối năm nay. “Với tuyên bố này, Triều Tiên sẽ biến tính chất của đàm phán thành bàn về giảm số lượng vũ khí giữa 2 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân là Mỹ và Triều Tiên, chứ không phải là về phi hạt nhân hóa đơn phương”, ông Kim Taewoo phân tích.
Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Hàn Quốc Chung Eui-yong, người từng gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên hồi đầu tháng này, cho biết ông Kim Jong-un nói với ông rằng tuyên bố chấm dứt chiến tranh không làm suy yếu quan hệ đồng minh Mỹ - Hàn Quốc hoặc dẫn đến việc Mỹ phải rút quân. Nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng hy vọng rằng tiến trình phi hạt nhân có thể được thực hiện trước khi kết thúc nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Mỹ. Cũng theo ông Chung Eui-yong, nhà lãnh đạo Triều Tiên từng cho biết Bình Nhưỡng sẽ không cần giữ vũ khí hạt nhân nếu như nhận được sự đảm bảo đáng tin cậy về an ninh và rằng Triều Tiên hiểu các cuộc tập trận giữa Mỹ - Hàn Quốc vẫn phải được tiến hành.
Những quan điểm của ông Kim Jong-un được xem là một sự thay đổi quan trọng so với trước đây nhưng chưa bao giờ nhà lãnh đạo Triều Tiên tuyên bố trước công chúng hoặc được ghi vào văn bản. Du Hyeogn Cha, một học giả của Viện Nghiên cứu về chính sách Asan của Hàn Quốc, cho rằng nếu Tổng thống Moon Jae-in không thể thuyết phục được nhà lãnh đạo Triều Tiên thể hiện quan điểm về những bước đi cụ thể nhằm phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên thì ít nhất phải để ông Kim Jong-un “văn bản hóa” quan điểm đã truyền đạt đến ông Chung Eui-yong. “Điều này sẽ giúp thiết lập điểm khởi đầu về mốc thời gian cho việc phi hạt nhân hóa, giảm bớt những lo ngại về những ý định của Triều Tiên và làm rõ hơn rằng Triều Tiên chịu trách nhiệm lớn hơn trong nỗ lực giải quyết khủng hoảng hạt nhân”, ông Du Hyeogn Cha nói .