Ba tháng sau khi lật đổ chính phủ dân cử Thái Lan, Prayuth Chan-ocha, lãnh đạo chính quyền quân sự nước này đã thay bộ đồng phục quân đội bằng bộ đồ dân sự để tiếp nhận vị trí thủ tướng tạm quyền. Trước mắt, theo lộ trình do các sĩ quan quân đội vạch ra là hơn 1 năm với rất nhiều mục tiêu, trong đó có cải cách chính trị và tổ chức bầu cử.
Thủ tướng tạm quyền Prayuth Chan-ocha phát biểu trước Hội đồng lập pháp quốc gia Thái Lan.
Rời quân đội để làm thủ tướng dân sự
Theo The Nation, ngày 21-8, với 191 phiếu thuận, 0 phiếu chống và 3 phiếu trắng, Hội đồng lập pháp quốc gia (NLA) Thái Lan đã thông qua chức vụ thủ tướng tạm quyền của ông Prayuth Chan-ocha. Phiên họp do Chủ tịch NLA Pornpetch Wichilcholacha chủ trì. Trước đó, NLA đã đề cử duy nhất ông Prayuth Chan-ocha vào vị trí trên. Theo Bangkok Post, Chủ tịch NLA cho biết sẽ đệ trình tân Thủ tướng Thái Lan lên Hoàng gia phê chuẩn.
Ông Prayuth Chan-ocha năm nay 60 tuổi, sẽ giải ngũ vào tháng tới. Dự kiến, một chính phủ tạm quyền 35 thành viên sẽ được thành lập trong vài tuần tới. Kể từ sau khi đảo chính quân sự ngày 22-5, tướng Chan-ocha ở cương vị như thủ tướng. Ông cam kết sẽ tiếp tục thực hiện cải cách chính trị trước khi tổ chức một cuộc bầu cử mới vào cuối năm 2015. Tuần trước, tướng Chan-ocha đệ trình ngân sách chính phủ tại NLA trong bộ đồ dân sự, ngụ ý rằng ông sẵn sàng trở thành thủ tướng.
Tướng Chan-ocha là người thích chơi golf và là cha của 2 cô con gái sinh đôi. Ông này tuyên bố sẽ không cho phép Thái Lan trở thành một “Ukraine hoặc Ai Cập”. Ông đứng đầu Hội đồng hòa bình và trật tự quốc gia kể từ khi đảo chính. Hội đồng đã bãi bỏ hiến pháp, thay nhiều luật dân sự bằng quân luật và triệu tập hàng trăm đối thủ, các nhà hoạt động và các viện nghiên cứu để thẩm vấn. Ông Chan-ocha cũng đã phát động chiến dịch “trao lại hạnh phúc” trong quan hệ với công chúng song song với việc các hành động cứng rắn với các chính trị gia.
Tiếp tục lộ trình
Việc bầu cử thủ tướng tạm quyền cho thấy quân đội Thái Lan đang thực hiện đúng lộ trình mà họ đã công bố trước đó. Trong tháng 7, quân đội đã thông qua hiến pháp tạm thời. Lúc đảo chính, Tướng Prayuth Chan-ocha nói rằng, quân đội phải can thiệp để kết thúc các cuộc biểu tình đã làm tê liệt chính phủ và làm 28 người chết, hàng trăm người bị thương. Hơn thế nữa, nền kinh tế bị ảnh hưởng và đất nước bị chia rẽ.
Theo báo Wall Street Journal, tướng Chan-ocha cho biết ông đang nhắm đến việc lấy lại lòng tin của người dân và cả các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là khi các nhà đầu tư e ngại tình hình Thái Lan để chuyển hướng đầu tư sang các nơi khác như Indonesia và Việt Nam. Do đầu tư yếu và chi tiêu kém, cơ quan hoạch định chính sách Thái Lan trong tuần này đã giảm dự báo tốc độ tăng trưởng năm 2014 từ 2,5% xuống còn 2%.
Theo thăm dò mới nhất của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), chất lượng hệ thống giáo dục Thái Lan xếp sau nhiều nước láng giềng, kể cả Lào.
Cũng theo báo này, nhận chức thủ tướng, ông Chan-ocha sẽ có nhiều quyền lực hơn để xóa bỏ tận gốc những ảnh hưởng của gia đình cựu Thủ tướng Thaksin, nhất là trong bộ máy tranh cử. Công việc này không hề đơn giản khi mà số đông dân nghèo Thái Lan đã được hưởng nhiều chính sách ưu đãi của cả 2 chính phủ của ông Thaksin và bà Yingluck.
Báo New York Times dẫn lới ông Surachart Bamrungsuk, giáo sư tại Đại học Chulalongkorn ở Bangkok và là một trong những chuyên gia hàng đầu về quân đội Thái Lan, cho rằng các tướng lĩnh hàng đầu Thái Lan đang cố gắng củng cố vị trí của mình và đưa Thái Lan theo một mô hình dân chủ có định hướng với vai trò giám sát của quân đội.
THỤY VŨ (tổng hợp)