Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký 23 sắc lệnh để hạn chế tình trạng bạo lực liên quan tới súng đạn và yêu cầu Quốc hội nước này nhanh chóng thông qua lệnh cấm vũ khí tấn công. Những biện pháp Tổng thống Obama đưa ra bao gồm thẩm tra lý lịch với tất cả các đối tượng mua súng, đóng cửa một số địa điểm bán lẻ và trưng bày súng, cấm loại đạn bắn xuyên giáp và người sở hữu súng chỉ được sử dụng băng đạn có 10 viên trở xuống... Nếu được áp dụng trọn vẹn, các sắc lệnh trên của ông Obama sẽ đánh dấu cuộc cải cách kiểm soát súng lớn nhất trong nhiều thập niên qua ở nước Mỹ.
Các điều khoản trên sẽ cần sự chấp thuận của Quốc hội Mỹ, điều mà giới phân tích nhận định là một thách thức thật sự. Nhiều thập niên qua, Quốc hội luôn là nơi diễn ra “cuộc chiến” lớn nhất liên quan tới vấn đề kiểm soát súng. Kế hoạch của Tổng thống Obama sẽ dẫn tới một cuộc đối đầu giữa phong trào yêu cầu kiểm soát súng đạn và chương trình vận động hành lang về quyền được sử dụng súng của Hiệp hội súng trường quốc gia (NRA). Các thành viên của cả hai bên đều cho rằng đề xuất của Tổng thống Mỹ về việc thẩm tra lý lịch của tất cả các đối tượng mua súng sẽ là đề xuất có cơ hội lớn nhất vượt qua “cuộc chiến đảng phái” tại Quốc hội. Yêu cầu của ông Obama đối với Quốc hội về khôi phục lệnh cấm sử dụng các loại vũ khí tấn công giống như của quân đội, vốn đã hết hiệu lực từ gần một thập niên trước, có khả năng sẽ bị bác bỏ. Về đề xuất người sở hữu súng chỉ được sử dụng băng đạn có 10 viên trở xuống, theo các nhà phân tích, vẫn chưa rõ có thể được thông qua hay không.
Tại Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát, Chủ tịch Hạ viện John Boehner đối mặt với nhiều sức ép từ những người bảo thủ phản đối việc thông qua dù chỉ là một dự luật về vấn đề kiểm soát súng. Đó là lý do tại sao luật về súng hầu như chắc chắn chỉ được đưa ra từ Thượng viện do đảng Dân chủ chiếm đa số.
Tuy nhiên, những người ủng hộ kế hoạch của ông Obama cũng phải tranh thủ được sự ủng hộ của một số nghị sĩ của đảng Dân chủ vốn có tư tưởng ủng hộ quyền sử dụng súng. Chiến lược gia của đảng Cộng hòa Ron Bonjean, từng làm việc tại Quốc hội, cho rằng kế hoạch của Tổng thống Obama không chỉ bị “giết chết” tại Hạ viện mà còn “thoi thóp” tại Thượng viện. Dẫu vậy, chiến lược gia của đảng Dân chủ Phil Singer nhận định rằng sức ép từ dân chúng ngày càng gia tăng sau các thảm kịch tại Newtown, Connecticut sẽ buộc các nhà lãnh đạo của đảng Cộng hòa phải xem xét những ý kiến đối lập.
Trong bài phát biểu ngày 16-1, ông Obama nói rằng các sắc lệnh sẽ không được thông qua trừ phi người dân Mỹ yêu cầu. Theo kết quả thăm dò của hãng tin AP cùng ngày, có tới 84% những người được hỏi ý kiến ủng hộ các biện pháp của chính phủ nhằm kiểm tra lý lịch bất cứ ai muốn mua súng đạn. Kết quả thăm dò của tổ chức Pew cho hay 55% ủng hộ việc cấm các loại vũ khí tấn công. Người dân đã ủng hộ. Nhưng với nền chính trị bị chia rẽ, những các đảng phái tại Mỹ có gạt bỏ được những toan tính chính trị để vì người dân hay không mới điểm mấu chốt của vấn đề.
Đỗ Văn