Sáng 7-1, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị tổng kết ngành công thương năm 2020, đề ra nhiệm vụ cho năm 2021.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những kỳ tích mà nền kinh tế Việt Nam đạt được trong năm 2020 đầy khó khăn, sóng gió. Thủ tướng khẳng định, ngành công thương là ngành đóng góp quan trọng cho kết quả tăng trưởng ngoạn mục này.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, xuất khẩu của Việt Nam vẫn lập kỳ tích với kim ngạch trên 281 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019; cơ cấu xuất khẩu tiếp tục cải thiện tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và cung ứng toàn cầu.
Thủ tướng nhấn mạnh: “Đặc biệt, xuất siêu trong năm 2020 đạt kỷ lục với 19,1 tỷ USD, cao nhất trong giai đoạn 2016-2020; đưa tổng thặng dư thương mại trong cả 5 năm lên khoảng 43 tỷ USD”.
Thủ tướng cũng khen ngợi nhiều địa phương đã và đang tự lực tự cường vươn lên trong sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa.
Dẫn con số trong cả nhiệm kỳ 2016-2020, chúng ta có tới hơn 60 nhà máy chế biến xuất khẩu (riêng năm 2020 có thêm 12 nhà máy), Thủ tướng cho rằng, trước đây chúng ta thường chỉ biết tới miền Nam là vựa trái cây xuất khẩu nhưng bây giờ, những tập đoàn, trung tâm sản xuất trái cây lớn nhất nước ta không chỉ có ở miền Nam mà đã có ở Sơn La, Bắc Giang…
Dẫn lại câu chuyện trước đây một doanh nghiệp muốn sản xuất socola thì phải trải qua 18 thủ tục hành chính, Thủ tướng đánh giá cao Bộ Công thương đã giải phóng sức sản xuất bằng cởi trói về chính sách, thủ tục để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân sản xuất, xuất khẩu.
“Nếu chúng ta có chính sách, thủ tục đúng thì ngành công thương và nhiều lĩnh vực sẽ phát triển” - Thủ tướng nói rằng, thể chế là do chúng ta nghĩ ra, nên cần tháo gỡ để tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tự do kinh doanh tốt hơn trên nền tảng khung pháp lý của nhà nước.
Thủ tướng cũng đánh giá cao Bộ Công thương đã thực hiện tốt nghị quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chỉ đạo điều hành về giá do nhà nước quản lý, nhất là đối với mặt hàng xăng dầu, góp phần bình ổn thị trường, thực hiện tốt việc giảm giá điện cho người dân và doanh nghiệp trong thời điểm có dịch Covid-19.
Bộ Công thương đã đảm bảo đầy đủ nguồn cung ứng hàng hóa thiết yếu, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, hàng hóa phòng, chống dịch cho thị trường, nhất là nhu cầu tăng cao khi cả nước tập trung phòng, chống dịch Covid-19, thực hiện giãn cách xã hội, tạo niềm tin và sự an tâm cho người dân về việc bảo đảm cung ứng hàng hóa thiết yếu cho thị trường.
“Tôi nhớ, khi tôi ở Bến Tre và TPHCM thì tối hôm ấy, bệnh nhân số 17 xuất hiện. Ở Hà Nội rỉ tai nhau mỗi nhà mua 5 tạ gạo. Tôi điện cho anh Trần Tuấn Anh (Bộ trưởng Bộ Công thương), anh Nguyễn Xuân Cường (Bộ trưởng Bộ NN-PTNT) và Tổng Giám đốc VinaFood… quyết định, các siêu thị ở Hà Nội bán hàng cả đêm, đến 11 giờ rưỡi để chứng minh nguồn hàng của chúng ta kìm được giá, không có lạm phát” – Thủ tướng kể lại và khẳng định, người tiêu dùng có thể an tâm tin tưởng, dù bất cứ hoàn cảnh nào thì nguồn hàng dự trữ của chúng ta vẫn đảm bảo được.
Kết thúc bài phát biểu, Thủ tướng yêu cầu, dịp Tết Nguyên đán này, “toàn ngành công thương phải lo phục vụ tết cho dân, không để thiếu hàng hóa, nhất là vùng xa, các trung tâm lớn và đặc biệt, toàn ngành công thương phải lo phòng, chống dịch Covid-19 thật tốt, không để ai bị nhiễm dịch Covid-19”.