Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Quyết tâm cải cách tài chính theo hướng an toàn, vững chắc

Ngày 27-11, Hội nghị quốc tế về ổn định tài chính Đông Á do Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước phối hợp tổ chức đã khai mạc tại Hà Nội với sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Với chủ đề: “Khuôn khổ ổn định và giám sát tài chính trong môi trường nhiều biến động”, hội nghị thu hút gần 400 đại biểu là các chuyên gia tài chính, ngân hàng hàng đầu thế giới cùng đại diện các tổ chức tài chính quốc tế, các cơ quan giữ vai trò ổn định tài chính đến từ 14 nền kinh tế Đông Á và thế giới tham dự.

(SGGP). – Ngày 27-11, Hội nghị quốc tế về ổn định tài chính Đông Á do Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước phối hợp tổ chức đã khai mạc tại Hà Nội với sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Với chủ đề: “Khuôn khổ ổn định và giám sát tài chính trong môi trường nhiều biến động”, hội nghị thu hút gần 400 đại biểu là các chuyên gia tài chính, ngân hàng hàng đầu thế giới cùng đại diện các tổ chức tài chính quốc tế, các cơ quan giữ vai trò ổn định tài chính đến từ 14 nền kinh tế Đông Á và thế giới tham dự.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, trong bối cảnh thị trường tài chính quốc tế và Việt Nam tiềm ẩn nhiều bất ổn, nỗ lực tổ chức hội nghị này là minh chứng mạnh mẽ cho quyết tâm cải cách hệ thống tài chính theo hướng an toàn, vững chắc tạo tiền đề duy trì đà tăng trưởng và phát triển bền vững của Chính phủ Việt Nam.

Ở Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, sau hơn 25 năm thực hiện đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn: Việt Nam đã ra khỏi tình trạng kém phát triển, đứng vào nhóm nước thu nhập trung bình, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt…

Tuy nhiên, những thành tựu đạt được kể trên chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; kinh tế phát triển chưa thật bền vững, năng suất và chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh còn thấp; thể chế kinh tế, chất lượng nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng vẫn là những điểm yếu... Bước vào giai đoạn phát triển mới, Việt Nam đang đẩy mạnh chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển nhanh, bền vững đất nước, phấn đấu xây dựng Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020.

Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam đang thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, đặc biệt là hệ thống tài chính tín dụng nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh nền kinh tế. Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh vai trò của việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng trong thời điểm hiện nay. Theo Thủ tướng, việc tái cấu trúc này nhằm đảm bảo cho tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô, tăng cường kết nối, phối hợp khu vực và quốc tế, đặc biệt là đổi mới cơ chế phối hợp trong giám sát tài chính, đề cao vai trò của các tổ chức tài chính quốc tế nhằm đối phó hiệu quả hơn với các rủi ro hệ thống.

Hội nghị ổn định tài chính khu vực Đông Á sẽ diễn ra trong vòng 2 ngày (27 và 28-11) với nội dung nghị sự chính là cập nhật và trao đổi thông tin về diễn biến của kinh tế toàn cầu và thị trường tài chính quốc tế; đánh giá tính ổn định và bền vững của thị trường tài chính khu vực Đông Á bao gồm khuôn khổ pháp lý, chuẩn mực an toàn, chính sách thận trọng; giám sát và điều phối giám sát; khả năng phản ứng trước những biến động từ bên ngoài; sự cần thiết cũng như cơ chế phối hợp và tăng cường hợp tác giữa các cơ quan hoạch định chính sách và cơ quan giám sát tài chính trong môi trường đầy biến động và thách thức… Hội nghị còn là kênh hữu ích để chuyển tải thông điệp mạnh mẽ về nỗ lực của Việt Nam trong việc tăng cường tính minh bạch, cùng sự tích cực và chủ động trong hội nhập kinh tế và tài chính quốc tế.

B.MINH

Tin cùng chuyên mục