Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Không được gọi là “trạm thu giá”

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 ngày 2-6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho phép Bộ GT-VT nghiên cứu thêm để đưa ra tên gọi phù hợp, nhưng không được gọi là trạm thu giá.
Họp báo Chính phủ ngày 2-6
Họp báo Chính phủ ngày 2-6

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 ngày 2-6, Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thể một lần nữa xin nhận trách nhiệm về những yếu kém của ngành, đặc biệt là lĩnh vực đường sắt; đồng thời gửi lời xin lỗi tới gia đình các nạn nhân trong những vụ tai nạn đường sắt vừa qua. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho hay, sau 4 vụ tai nạn vừa qua, Tổng công ty Đường sắt đang xử lý những người có liên quan. Đây cũng là dịp chấn chỉnh toàn bộ hoạt động của ngành này. Về tên gọi của các trạm thu phí giao thông BOT, Bộ xin được nghiên cứu tiếp để đưa ra tên gọi phù hợp.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng cho rằng, phí giao thông BOT cũng tương tự như học phí và viện phí, trong đó, viện phí dù đã được điều chỉnh để tiếp cận giá trị trường nhưng vẫn có tên gọi như vậy, nên không việc gì phải đổi tên để tạo tâm lý không tốt trong người dân. Quan điểm của Bộ Công an cũng là nên giữ tên gọi là trạm thu phí BOT. Kết luận vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho phép Bộ GT-VT nghiên cứu thêm, nhưng không được gọi là trạm thu giá.

Tại buổi họp báo Chính phủ tối 2-6, về Dự án Tổng công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu AVG (Vụ AVG), báo chí đặt câu hỏi: khi có kết luận về vụ AVG của Thanh tra Chính phủ, Bộ TT-TT đã có văn bản phản bác kết luận, cho rằng vụ việc này không gây thất thoát tài sản nhà nước. Nay Ủy ban Kiểm tra TƯ có kết luận là vụ việc này gây thất thoát lớn tài sản của nhà nước, vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Bộ TT-TT có ý kiến gì? Kết luận của Ủy ban Kiểm tra TƯ cũng cho rằng vụ AVG là vi phạm pháp luật nghiêm trọng, vậy Bộ Công an đã có trao đổi gì với Bộ TT-TT về những diễn tiến tiếp theo về mặt hình sự của vụ việc này?

Trả lời, Thứ trưởng Bộ TT-TT Hoàng Vĩnh Bảo cho biết, về nguyên tắc, khi có kết luận thanh tra, cơ quan là đối tượng thanh tra phải có văn bản giải trình. "Khi đó Bộ TT-TT quan niệm là AVG và Mobifone đã có thỏa thuận với nhau là hoàn lại toàn bộ số tiền đã mua, lãi theo quy định. Bộ cho rằng làm theo quy định như thế không phải là thất thoát. Bây giờ kết luận như thế thì Ban cán sự Đảng của Bộ sẽ tuân thủ kết luận của Thanh tra Chính phủ cũng như của Ủy ban Kiểm tra TƯ", ông Hoàng Vĩnh Bảo nói.

Về câu hỏi liên quan đến động thái của Bộ Công an, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo cho biết “đến nay tôi chưa biết việc đó, nếu có thì báo chí nên trao đổi với Bộ Công an”.

Về kết luận của Ủy ban Kiểm tra TƯ liên quan đến ngân hàng BIDV, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho hay sẽ thực hiện nghiêm túc kết luận của Ủy ban Kiểm tra TƯ, đây là bài học để BIDV và toàn bộ hệ thống, rà soát toàn bộ hoạt động của ngân hàng, để làm sao hoạt động của hệ thống ngày càng lành mạnh hơn.

Đối với dự sán Sào Khê của tỉnh Ninh Bình đội vốn 36 lần (từ 72 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước, nhưng sau nhiều lần điều chỉnh và phê duyệt lại, vốn đầu tư của dự án đã nâng lên 2.595 tỷ đồng) gây quan tâm của xã hội cũng như Quốc hội,  đại diện Bộ KH-ĐT cho rằng nguyên nhân đội vốn dự án này là do thay đổi mục tiêu nhiệm vụ của dự án, thời gian kéo dài lâu. Trong quá trình triển khai dự án có rất nhiều đoàn thanh tra từ các năm trước của Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước cũng vào cuộc. Bộ KH-ĐT cũng đã yêu cầu UBND tỉnh Ninh Bình có báo cáo chi tiết về dự án này, trên cơ sở đó có căn cứ để xem xét có thanh tra, kiểm tra hay không, hoặc có kiến nghị phù hợp với các cơ quan khác.

Tin cùng chuyên mục