Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, kết quả đạt được trong thời gian vừa qua là tương đối toàn diện, tốt đẹp. Đời sống các thành phần xã hội được nâng lên một bước, từ miền núi đến miền biển, đô thị… “Những điều này đều quan trọng với quốc gia 100 triệu dân. Nói chung là chúng ta đã có rất nhiều cố gắng", Thủ tướng nói.
Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được khẳng định, các quốc gia lớn bày tỏ sự trân trọng Việt Nam hơn so với trước đây, phần lớn ý kiến đóng góp của Việt Nam được chấp nhận.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ rõ, bên cạnh yêu cầu phát triển kinh tế thì tới đây cần phải quan tâm hơn nữa tới vấn đề xã hội. Trong nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, xã hội có nhiều vấn đề cần nắm bắt, xử lý để bảo đảm hạnh phúc cho từng gia đình, an toàn hơn cho người dân.
“Chúng ta phải cố gắng tìm ra động lực phát triển mới tốt hơn. Việt Nam đang trong bối cảnh hội nhập sâu, nên phát triển khoa học công nghệ, tìm giá trị gia tăng cao rất quan trọng. Nếu không tìm được cách nâng giá trị gia tăng thì chúng ta sẽ luẩn quẩn mãi. Chuyện tháo gỡ thể chế chồng chéo thực sự là Chính phủ kiến tạo, phát triển rất quan trọng. Văn bản này chồng văn bản kia, hệ thống pháp luật chằng chịt, làm việc này lo việc kia, quy định của chúng ta lâu đời, nhiều tầng lớp chồng chéo ràng buộc. Vì vậy, chúng ta cần cố gắng sắp xếp tổ chức lại, tháo gỡ những ràng buộc, tạo điều kiện cho sự phát triển”.
Coi kinh tế tư nhân là động lực quan trọng, Thủ tướng đề nghị các địa phương cố gắng phát triển mạnh mẽ các loại hình doanh nghiệp; tiếp tục thu hút FDI có chọn lọc, tạo ra sức mạnh liên kết giữa 2 khối kinh tế nội - ngoại.
Thủ tướng ghi nhận các ý kiến đóng góp của ĐBQH về việc sử dụng tiền ngân sách hiệu quả hơn chống lãng phí, tránh "mặc áo quá đầu" để giữ cân đối, kiểm soát nợ công.
“Tất nhiên, nếu dừng lại, không làm gì cũng chết, nhưng đầu tư bừa bãi còn nguy hiểm hơn”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu.