Thủ tướng Phạm Minh Chính: Nghiên cứu cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng Đông Nam bộ

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo, các tỉnh, thành trong vùng chủ động nghiên cứu, đề xuất về thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù phát triển vùng Đông Nam bộ, thúc đẩy liên kết vùng. Cơ chế đột phá, đặc thù cần đi liền chính sách ưu tiên, trên tinh thần nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân.

Ngày 18-7, tại TPHCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam bộ.

Đồng chủ trì có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT.

Tập trung vào 3 khâu đột phá chiến lược

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Hội đồng điều phối vùng Đông Nam bộ (gọi tắt Hội đồng vùng) là 1 trong 4 Hội đồng điều phối vùng được Thủ tướng thành lập.

Ra mắt Hội đồng điều phối vùng. Ảnh: VIỆT DŨNG

Ra mắt Hội đồng điều phối vùng. Ảnh: VIỆT DŨNG

Theo Thủ tướng, đây là một hình thức tổ chức mới được thực hiện theo chủ trương của Đảng, nhất là với yêu cầu tăng cường điều phối và đẩy mạnh liên kết vùng.

Hội nghị Hội đồng vùng là sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của vùng. Qua đó, phối hợp triển khai thực hiện các định hướng của vùng đã được Bộ Chính trị, Quốc hội thông qua. Đây cũng là dấu mốc quan trọng trong chuỗi các chương trình cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống.

Vì vậy, Thủ tướng nhấn mạnh, Hội đồng vùng cần hoạt động hiệu quả, thực chất, không hình thức, không hành chính, phải tạo ra của cải vật chất. Đồng thời, tập trung vào 3 khâu đột phá chiến lược và tập trung xử lý 3 vấn đề lớn trong những năm tới của vùng. Cụ thể đó là ách tắc giao thông, vấn đề môi trường, vấn đề nhà ở.

Thủ tướng Phạm Minh Chính kết luận hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG

Thủ tướng Phạm Minh Chính kết luận hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG

Đề cập đến Nghị quyết 98 của Quốc hội, Thủ tướng lưu ý, hoạt động của Hội đồng vùng cần đồng bộ với hoạt động của Ban Chỉ đạo triển khai Nghị quyết số 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Ban Chỉ đạo này cũng do Thủ tướng làm trưởng ban. Thủ tướng nhấn mạnh, tinh thần là lấy TPHCM làm đầu tàu, làm mẫu cho cả vùng và cả nước.

Cùng với đó, Thủ tướng lưu ý, lãnh đạo các tỉnh thành, các đồng chí thành viên Hội đồng vùng cần tập trung chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình, dự án, các hoạt động liên kết vùng. Qua đó, bảo đảm đồng bộ, nhất quán và hiệu quả, phù hợp với quy định pháp luật và các quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Ngoài ra, Thủ tướng lưu ý thêm, các thỏa thuận liên kết giữa các chính quyền địa phương trong vùng phải thực chất, hiệu quả không hình thức.

Các địa phương sớm hoàn thiện quy hoạch, nhất là TPHCM. Quy hoạch phải có tư duy chiến lược, tầm nhìn dài hạn. Đồng thời, phải chỉ ra và phát huy được các tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, hạn chế, hóa giải các khó khăn, tồn tại, thách thức.

Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ KH-ĐT sẽ tập trung chỉ đạo đẩy nhanh việc lập quy hoạch TPHCM và quy hoạch vùng để hình thành được sự kết nối về chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, kết cấu hạ tầng tạo không gian kinh tế thống nhất giữa các địa phương trong vùng.

Đoàn kết, đồng lòng giải quyết vấn đề liên vùng

Các tỉnh thành trong vùng chủ động nghiên cứu, đề xuất về thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù phát triển vùng Đông Nam bộ, thúc đẩy liên kết vùng. Cơ chế đột phá, đặc thù cần đi liền chính sách ưu tiên, trên tinh thần nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi và lãnh đạo Bộ TT-TT, Bộ KH-ĐT. Ảnh: VIỆT DŨNG

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi và lãnh đạo Bộ TT-TT, Bộ KH-ĐT. Ảnh: VIỆT DŨNG

Thủ tướng yêu cầu, Hội đồng vùng hỗ trợ các địa phương trong vùng giải quyết những vấn đề liên tỉnh, thành phố không thuộc thẩm quyền của các địa phương trong vùng. Đây là một trong các nhiệm vụ quan trọng của Hội đồng vùng nhằm phát hiện kịp thời các vướng mắc có tính chất liên tỉnh, thành phố. Đặc biệt là các địa phương phải đoàn kết, đồng lòng phối hợp với nhau để giải quyết các vấn đề mang tính liên tỉnh, thành phố, không thực hiện manh mún, cạnh tranh và hạn chế lẫn nhau.

Đề cập đến điều phối trong lĩnh vực đô thị, logistics, dịch vụ chất lượng cao (trung tâm tài chính, trung tâm logistics vùng), khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, Thủ tướng nhấn mạnh, đây là nhiệm vụ đặc trưng nhằm phát huy các tiềm năng, thế mạnh của vùng, khác biệt so với các vùng khác. Vì vậy, các thành viên Hội đồng vùng phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương trong vùng nghiên cứu các cơ chế, chính sách và có các hoạt động điều phối, liên kết cụ thể.

Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam bộ diễn ra tại TPHCM ngày 18-7. Ảnh: VIỆT DŨNG

Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam bộ diễn ra tại TPHCM ngày 18-7. Ảnh: VIỆT DŨNG

Thủ tướng chỉ đạo, nghiên cứu hình thành Quỹ phát triển hạ tầng vùng để có nguồn vốn bố trí riêng cho các lĩnh vực liên kết, có chính sách huy động nguồn lực xã hội vào hoạt động liên kết. Thủ tướng lưu ý, đầu tư công cần đúng, trúng, có trọng tâm, trọng điểm, đẩy mạnh hợp tác công tư, lấy đầu tư công dẫn dắt và kích hoạt đầu tư tư. Huy động đa dạng các nguồn vốn như vay các quỹ đầu tư, phát hành trái phiếu…

Về một số nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng giao các thành viên trong Hội đồng vùng khẩn trương đôn đốc, có ý kiến góp ý và hoàn thiện các thủ tục liên quan nhằm sớm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các quy hoạch liên quan đến vùng, làm cơ sở để điều phối các hoạt động liên kết vùng.

Về cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng Đông Nam bộ, Thủ tướng giao Bộ KH-ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu kỹ lưỡng, đề xuất các cơ chế, chính sách đổi mới, nhằm phát triển vùng, trong đó có các cơ chế, chính sách về điều phối, phát triển liên kết vùng. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan nghiên cứu hình thành Quỹ phát triển hạ tầng vùng, cố gắng hoàn thành trong quý 3-2023.

Thủ tướng giao các bộ, địa phương khẩn trương kiện toàn bộ máy Tổ điều phối cấp bộ, cấp tỉnh với tổ chức, biên chế gọn nhẹ, sử dụng bộ máy, nhân lực đang có và giao việc cụ thể, bảo đảm các tổ điều phối bắt tay ngay vào các nhiệm vụ liên quan đến điều phối và liên kết vùng. Công tác tham mưu của Tổ điều phối của các bộ, ngành, các địa phương cần chủ động, sáng tạo, mạnh dạn đề xuất các ý tưởng hay, cách làm mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá.

Tin cùng chuyên mục