* Kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm vụ Vinashin
Ngày 24-11, Quốc hội (QH) tiếp tục phiên chất vấn với sự đăng đàn trả lời chất vấn của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng. Mặc dù trong báo cáo giải trình, Thủ tướng đã thẳng thắn nhận trách nhiệm về vụ Vinashin nhưng các chất vấn trực tiếp của ĐBQH vẫn tiếp tục tập trung vào vấn đề Vinashin. Ngoài ra, các chất vấn đề cập đến việc kiềm chế giá, bảo đảm cấp điện.
Đề án tái cơ cấu Vinashin là khả thi
ĐB Phạm Thị Loan (Hà Nội) là người đầu tiên đặt câu hỏi với Thủ tướng về vụ việc của Vinashin. Bà cho rằng, tuyên bố tái cơ cấu Vinashin của Chính phủ giúp người dân yên tâm nhưng vẫn còn nhiều băn khoăn vì với số nợ lớn, Vinashin khó lòng mà “tự vay, tự trả” khoản nợ hơn 86.000 tỷ đồng.
ĐB Phạm Thị Loan cũng hỏi Thủ tướng chịu trách nhiệm thế nào về vụ việc Vinashin? Bài học nào trong tái cơ cấu các tập đoàn, trong đó có Tập đoàn Dầu khí đang có biểu hiện đa ngành. “Tập đoàn Dầu khí chỉ khác Vinashin là được Nhà nước cấp vốn, còn Vinashin phải đi vay. Tại sao Chính phủ vẫn quyết định cấp 3.500 tỷ đồng cho Tập đoàn Dầu khí khi 50% ĐBQH không muốn? Việc Tập đoàn Dầu khí đầu tư 3,2 tỷ USD sang Venezuela trong thời điểm đất nước đang thiếu ngoại tệ là như thế nào? Thủ tướng nghĩ gì về việc thành lập các tập đoàn kinh tế đa sở hữu, đầu tư dàn trải để rồi vỡ nợ, rồi lại tái cơ cấu như Vinashin”, ĐB Phạm Thị Loan chất vấn.
ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) cũng tiếp tục đặt câu hỏi về trách nhiệm trong vụ việc Vinashin. ĐB Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, Chính phủ đã có báo cáo bổ sung, các bộ trưởng cũng đã giải trình nhưng đều chưa chỉ rõ trách nhiệm về vụ việc này. “Hôm nay Thủ tướng nhận trách nhiệm về vụ việc này, cho thấy Chính phủ rất nghiêm túc. Nhưng tôi không đồng tình với sự tự phê bình đó. Chúng tôi mong Thủ tướng, Chính phủ cần tự phê bình mạnh mẽ hơn trước QH, tức là trước nhân dân”, ĐB Nguyễn Minh Thuyết nói. ĐB Nguyễn Minh Thuyết đề nghị giải thích rõ việc bổ nhiệm ông Phạm Thanh Bình vừa là Chủ tịch HĐQT, vừa là Tổng Giám đốc Vinashin, trong khi Luật Doanh nghiệp Nhà nước quy định: “Chủ tịch HĐQT không kiêm nhiệm chức vụ tổng giám đốc “.
Trả lời những câu hỏi trên, Thủ tướng cho rằng, đề án tái cơ cấu Vinashin đã được xây dựng dựa trên trí tuệ của nhiều bộ, ban ngành. Đề án đó là khả thi. Nhưng để triển khai thành công đòi hỏi cả quá trình, chỉ đạo phải quyết liệt, thực hiện phải đúng quy định. “Tôi đã nói rõ, thực hiện đề án sẽ còn nhiều khó khăn. Mong QH, nhân dân ủng hộ, giám sát để thực hiện theo đúng quy định của pháp luật”, Thủ tướng nói và cho rằng, khó để trình bày một cách cụ thể các bước đi để Vinashin trả hết nợ, mong ĐB thông cảm. Nhưng Chính phủ thấy khả thi. Tái cơ cấu Vinashin sẽ thực hiện đúng kết luận của Bộ Chính trị, theo đúng pháp luật.
Chính phủ đã trình bày nghiêm túc trước QH. Việc cố ý làm trái của những lãnh đạo tại Vinashin đã được xử lý. Thủ tướng, Chính phủ có trách nhiệm về quản lý Nhà nước, điều đó đã được nói rõ trong báo cáo. “Từ trách nhiệm đó, là người đứng đầu Chính phủ, tôi nhận trách nhiệm về vụ Vinashin. Thủ tướng, các thành viên Chính phủ có liên quan đang kiểm điểm để làm rõ trách nhiệm, cụ thể thế nào sẽ công khai. Tôi nghĩ thế là rõ ràng”, Thủ tướng phát biểu.
Thủ tướng cũng thừa nhận, thể chế quản lý, thanh kiểm tra, giám sát của Nhà nước đối với các tập đoàn còn nhiều lỗ hổng. Chính phủ đã nhìn thấy và nghiêm túc kiểm điểm. Mô hình tập đoàn Nhà nước vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Chính phủ đã thảo luận về ý kiến đề nghị thành lập bộ quản lý các tập đoàn, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra và Chính phủ đang tiếp tục tìm cách tốt nhất.
Riêng về việc bổ nhiệm Chủ tịch HĐQT Vinashin Phạm Thanh Bình, Thủ tướng giải thích, từ năm 1996, khi lập Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam, Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc bấy giờ quyết định chọn Phạm Thanh Bình làm tổng giám đốc. Đến năm 1999, Thủ tướng Phan Văn Khải lúc đó quyết định ông Phạm Thanh Bình làm Chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc. “Đến khi lập tập đoàn, Chính phủ có công văn yêu cầu tìm tổng giám đốc nhưng cả tập đoàn và các bộ đều nói chưa tìm được ai. Vì vậy đã đề nghị tiếp tục bổ nhiệm ông Phạm Thanh Bình làm Chủ tịch HĐQT và tổng giám đốc cho đến khi tìm được người mới. Tôi khi đó là Phó Thủ tướng cũng đồng ý. Đây là thí điểm kéo dài từ năm 1999. Chúng tôi sẽ kiểm điểm rõ việc này, trách nhiệm như thế nào. Tôi xin nói rõ như vậy”, Thủ tướng cho biết.
Về tái cơ cấu các tập đoàn, Thủ tướng cũng cho hay, Chính phủ quyết tâm tái cơ cấu Vinashin và không để xảy ra Vinashin thứ hai. Với Tập đoàn Dầu khí, từ vụ Vinashin, hiện Chính phủ cũng đã chỉ đạo tăng cường rà soát, chấn chỉnh để không xảy ra hậu quả xấu. Việc cấp 3.500 tỷ đồng cho dầu khí là đúng với chủ trương của Đảng, Nhà nước. Việc Tập đoàn Dầu khí đầu tư ra nước ngoài để có thêm năng lượng là chủ trương đúng, hiện giếng dầu đầu tiên mà Tập đoàn Dầu khí liên doanh đã có sản phẩm (ở Nga). Về đa ngành, đa lĩnh vực của các tập đoàn, trong đó có Tập đoàn Dầu khí, Thủ tướng cho hay hiện vẫn đang giai đoạn thí điểm. “Thí điểm có thể thành công, không thành công, nhưng về cơ bản là ổn, còn những khiếm khuyết thì đã sơ kết và đang tiếp tục chấn chỉnh, đa ngành nhưng phải gắn kết với ngành chính”.
Đang kiểm điểm các thành viên liên quan
Vấn đề Vinashin tiếp tục được một số ĐB tiếp tục đặt ra với Thủ tướng ở các khía cạnh rộng hơn. ĐB Vũ Hoàng Hà (Bình Định) nói trong khi Thủ tướng nhận trách nhiệm về phần mình, các thành viên Chính phủ thì không ai nhận.
ĐB Nguyễn Thị Bạch Mai (Tây Ninh) nhắc lại nội dung trả lời chất vấn tại kỳ họp trước về việc “3 năm làm Thủ tướng, tôi chưa kỷ luật ai” của Thủ tướng. Bà cho rằng kỷ luật hành chính hiện nay đang có vấn đề, điển hình nhất là ở vụ Vinashin, đơn cử Thủ tướng không cho mua tàu cũ, nhưng lãnh đạo tiếp tục mua tàu cũ. Vậy Thủ tướng có giải pháp gì để chấn chỉnh? Việc các bộ trưởng không nhận trách nhiệm và đổ lỗi cho lỗ hổng pháp luật, quan điểm Thủ tướng thế nào?
ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) cũng quan tâm đến các vấn đề “hậu Vinashin”. Theo ĐB Trần Du Lịch, Thủ tướng hoàn toàn có quyền buộc các tập đoàn, DNNN công bố các thông tin về hoạt động đầu tư để tăng cường chức năng giám sát của các bộ phận liên quan. “Tôi hoan nghênh Thủ tướng đã nhận trách nhiệm. Nhưng rõ ràng là có vấn đề chưa ổn giữa quyền của các bộ với doanh nghiệp, để khi xảy ra việc thì chưa rõ địa chỉ trách nhiệm. Cần thiết lập bộ quản lý các tập đoàn như Thủ tướng đã đề cập”, ĐB Trần Du Lịch nói.
Trả lời, Thủ tướng tiếp tục khẳng định, Thủ tướng, các phó thủ tướng, các bộ trưởng và những thành viên liên quan đang tiến hành kiểm điểm nghiêm túc. Chúng tôi làm đúng quy định, quy trình, không qua loa. Sẽ báo cáo với TƯ trước hội nghị 14. Kết quả kiểm điểm sẽ công khai. Kể cả các đồng chí bộ trưởng nào, ai liên quan đến đâu kiểm điểm đến đó, đúng với thực tế.
Thủ tướng cũng cho rằng, có thể cách diễn đạt chưa rõ, chứ không phải Thủ tướng không dám kỷ luật ai và trong thực tế không phải Thủ tướng không kỷ luật người nào. Tuy nhiên, việc kỷ luật cán bộ phải theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Xử lý kỷ luật ở Vinashin cũng trên tinh thần như vậy. “Qua vụ việc Vinashin có kẽ hở của thể chế, cơ chế, nhưng vừa có phần trách nhiệm. Trách nhiệm đến đâu thì tôi đã trình bày rồi”, Thủ tướng chốt lại.
Ngoài vấn đề Vinashin còn một số chất vấn đáng chú ý khác. ĐB Đinh Mươk (Quảng Nam) chất vấn về tình trạng đầu tư nhỏ giọt khiến hiệu quả không cao, nhất là với các dự án ở nông thôn, vùng sâu cùng xa. Thủ tướng thừa nhận điều này, nhưng đồng bào cũng phải chia sẻ với Chính phủ. Cái bánh có như thế, dù Chính phủ đã hết sức ưu tiên để phân bổ vùng sâu vùng xa. Gốc vấn đề là ngân sách còn ít quá, nhiều chuyện lực bất tòng tâm, mong đồng bào và nhân dân cả nước thông cảm.
ĐB Võ Thị Hồng Thoại (Bạc Liêu) đặt vấn đề về thiếu điện. ĐB cho rằng, thiếu điện là do bị “nghẽn” về vốn, cơ chế tài chính, quản lý, giải phóng mặt bằng chậm. Hiện còn gần 10 dự án chủ đầu tư không thu xếp được vốn tự có mà phải sử dụng vốn vay thương mại mà cũng khó vay ngân hàng. “Chính phủ đã đề ra các giải pháp, làm hết sức bằng mọi giải pháp để đảm bảo đủ điện cho sự phát triển của đất nước. Không đủ điện thì đừng nói tăng trưởng bao nhiêu GDP, đừng nói cái gì nữa”, Thủ tướng khẳng định...
Kết thúc phần trả lời chất vấn, Thủ tướng nói: “Tôi được QH giao nhiệm vụ làm Thủ tướng, bản thân tôi cũng như Chính phủ đã làm hết sức mình để thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao, để thực hiện nghị quyết của Đảng, trên tinh thần thực hiện nghiêm túc theo hiến pháp và pháp luật, tất cả vì lợi ích của đất nước, của nhân dân”.
Thủ tướng cũng cho rằng vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém và Chính phủ luôn nghiêm túc để nhìn nhận những hạn chế của mình.
LÂM NGUYÊN
Chính phủ thể hiện tinh thần rất cầu thị Tổng kết phần chất vấn tại Quốc hội (QH), Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng cho rằng, sự có mặt đầy đủ của Thủ tướng và các phó thủ tướng trong phiên chất vấn thể hiện tinh thần rất cầu thị. L.NGUYÊN Thông tin liên quan
Chủ tịch QH cho rằng, kỳ chất vấn này được cử tri và dư luận nhân dân cả nước đặc biệt quan tâm. Cùng với 1.643 ý kiến kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp này, đã có 234 chất vấn bằng văn bản gửi đến các vị có liên quan của 94 đại biểu, đã có 164 văn bản đã được trả lời. Kỳ chất vấn này có nét mới là có sự tham gia trả lời làm rõ vấn đề của các phó thủ tướng.
Cũng theo Chủ tịch QH, kỳ chất vấn này, Vinashin là vấn đề rất nổi bật, không phải chỉ đối với một bộ trưởng, mà liên quan đến nhiều bộ trưởng, đến phó thủ tướng, đến Thủ tướng. Ngoài ra, vấn đề bauxite, bùn đỏ sau khi xảy ra sự cố ở Hungary, thủy điện miền Trung, thiếu điện, quy hoạch điện, phân phối điện, giá điện... đều được đặt ra rất tập trung. Vấn đề điều hành giá cả, xuất nhập khẩu, nhập siêu, bội chi ngân sách, giá cả liên tục biến đổi, vàng, USD nhảy múa... đều được đi đến cùng. Đặc biệt, có những ĐBQH không phải chỉ chất vấn mà kiến nghị những giải pháp sắp tới cho bộ trưởng, Thủ tướng. “Đó là điều rất tốt. Một điểm quan trọng nữa là trách nhiệm thuộc về ai và sẽ xử lý như thế nào. Tiếng nói lần này trong nghị trường rất rõ vấn đề đó chứ không phải chỉ nói chung chung và cũng hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật và chức năng giám sát của QH”, Chủ tịch kết luận.
Trong phần tổng kết phiên chất vấn, Chủ tịch QH cũng cho rằng, nhiều bộ trưởng, Thủ tướng đã nhận trách nhiệm thẳng thắn. Tuy nhiên, “có trường hợp vẫn còn chung chung, chưa đủ cụ thể. ĐBQH muốn phải chỉ rõ trách nhiệm cụ thể. Hy vọng kỳ này chất vấn của QH sẽ thúc đẩy việc tìm thêm trách nhiệm cụ thể để xử lý cho tốt hơn, cho nghiêm minh, để lấy lại được lòng tin, củng cố, tăng cường lòng tin trong nhân dân”, Chủ tịch phát biểu. Đồng thời, đề nghị QH tăng cường công tác giám sát hậu chất vấn.
Về đề nghị thành lập Ủy ban lâm thời để điều tra về trách nhiệm của các thành viên Chính phủ trong vụ việc Vinashin của ĐB Nguyễn Minh Thuyết, Chủ tịch QH cho hay, Ủy ban Thường vụ QH đã họp và có văn bản trả lời. Theo đó, do hiện nay vụ việc đang được xem xét, Chính phủ và các cơ quan có trách nhiệm đang khẩn trương triển khai thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị để tái cơ cấu Vinashin. Hiện nay Ủy ban Kiểm tra của Đảng đang được Bộ Chính trị giao chủ trì để kiểm điểm làm rõ trách nhiệm trong vụ Vinashin, vì vậy QH không nên có một ủy ban vào nữa, vì có thể sẽ làm rối thêm tình hình.