Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm các vụ bạo lực học đường ​

Tin từ Văn phòng Chính phủ, chiều nay 2-4, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3-2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các vi phạm trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo (GD-ĐT) ở một số địa phương như tại Hưng Yên, Nghệ An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Sóc Trăng phải được xử lý nghiêm để làm gương, giữ kỷ cương phép nước.

Thủ tướng yêu cầu xử lý theo Nghị định 80/2017/NĐ-CP về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường; làm rõ trách nhiệm của các địa phương về quản lý GD-ĐT đối với các vi phạm này.

Thủ tướng cũng đề nghị các cơ quan báo chí nêu đúng, nêu đủ, không làm phức tạp tình hình.

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng, cần xử lý ở mức cao nhất có thể đối với giáo viên, những người làm việc trong nhà trường có hành vi xâm hại trẻ em. Người quản lý cơ sở giáo dục, kể cả mầm non, nếu để xảy ra vi phạm, cũng phải chịu trách nhiệm. Cần xử lý nghiêm minh thì mới ngăn chặn được chuyện này. Tới đây, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ cùng Bộ GD-ĐT lập các đoàn kiểm tra, kiên quyết xử lý các vi phạm trong vấn đề này.

Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm các vụ bạo lực học đường ​ ảnh 1 Nữ sinh lớp 7 ở Nghệ An bị nhóm bạn bắt quỳ và bị tát vào mặt. Ảnh cắt từ clip trên MXH
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ báo cáo, tính đến nay đã có nhiều văn bản được ban hành về vấn đề này như Nghị định 80/2017/NĐ-CP về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường; Thủ tướng có Quyết định 1299/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025”. Bộ GD-ĐT, Bộ Công an và các bộ, ngành đã ban hành 11 thông tư liên quan về vấn đề này. Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện các văn bản này chưa nghiêm.
Nhất trí với ý kiến Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường, trong đó có nguyên nhân về nhận thức, cần xử lý nghiêm để răn đe, lập lại kỷ cương.

“Mới đây, Bộ GD-ĐT đã ban hành chỉ thị về vấn đề đạo đức nhà giáo, chấn chỉnh kỷ luật trường học, theo đó nếu giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo thì sẽ đưa ra khỏi ngành”, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho hay.

Vẫn theo ông, Bộ GD-ĐT đã có chương trình hành động cụ thể để thực hiện Nghị định 80 của Chính phủ, theo đó chính quyền địa phương các cấp cũng cần cụ thể hóa thành các nhiệm vụ chi tiết. Tuy nhiên, một số địa phương chưa sâu sát vấn đề này. Công tác giáo dục văn hóa, phòng chống bạo lực học đường cần sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội thì mới hiệu quả.

Sắp tới, Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp với một số bộ, ngành thành lập tổ công tác liên ngành để kiểm tra và xây dựng các chương trình về tâm lý học đường cho các em, có các hoạt động để hóa giải các bức xúc, những vấn đề về đạo đức nhà giáo…

Vừa qua, khi xảy ra vụ việc một nhóm học sinh đánh bạn tại Trường THCS Phù Ủng (huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên), Thủ tướng đã chỉ đạo xử lý nghiêm.

Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Phóng đã chỉ đạo các biện pháp xử lý vụ việc, hiện công an tỉnh đã tăng cường lực lượng chuyên môn nghiệp vụ giỏi điều tra làm rõ vụ việc này với tinh thần kết luận sớm nhất sai phạm của tập thể, cá nhân, Ban Giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm, học sinh. Đối với Hiệu trưởng, Ban Giám hiệu Trường THCS Phù Ủng, tỉnh đã đề nghị xem xét làm quy trình xử lý cách chức, cách chức cả chi ủy nhà trường, cách chức tổng phụ trách đội, xem xét kỷ luật hội đồng kỷ luật nhà trường vì đã bao che, nương nhẹ. Xem xét trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm ở hình thức nặng hơn nữa vì không nắm được tâm tư nguyện vọng, tình cảm, diễn biến của học sinh. Về các học sinh đánh bạn, yêu cầu xem xét hạnh kiểm của những học sinh này và cả những học sinh chứng kiến việc bạo hành mà không can ngăn, bênh vực…

Tin cùng chuyên mục