Thủ tướng:Không tăng giá điện trong năm nay, chỉ điều chỉnh học phí, viện phí nếu điều kiện cho phép

Thủ tướng đề nghị không tăng giá điện trong năm nay, chỉ điều chỉnh giá dịch vụ y tế, giáo dục nếu điều kiện cho phép vào thời điểm phù hợp. Cùng với đó, điều tiết lượng cung tiền và chính sách tài khóa phù hợp, không để gây sức ép tăng giá lớn.
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: VGP
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: VGP

Ngày 2-6, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 5-2018.

Tại phiên họp này, Chính phủ nghe và thảo luận Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2018; tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 01 của Chính phủ; báo cáo về việc giao cơ quan lập Quy hoạch Tổng thể quốc gia, Quy hoạch Không gian biển quốc gia và Quy hoạch Sử dụng đất quốc gia; báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ và kết quả kiểm tra 5 tháng năm 2018 của Tổ Công tác của Thủ tướng…

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, tình hình kinh tế - xã hội nước ta tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2018 tiếp tục chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực. Hầu hết các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đều có kết quả tăng so với cùng kỳ.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 9,7% (cùng kỳ năm 2017 tăng 6,6%); Ngành chế biến, chế tạo tiếp tục tăng trưởng cao, đạt 11,8%; Xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh, ước đạt 93,1 tỷ USD (tăng 15,8% so với cùng kỳ); Cả nước xuất siêu khoảng 3,4 tỷ USD, chiếm gần 3,6% kim ngạch xuất khẩu; Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tăng khá, đạt 6,75 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ; Khách du lịch đạt trên 6,71 triệu lượt khách, tăng 27,6% so với cùng kỳ; Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được quan tâm; Tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí.
Tuy nhiên, mặc dù nền kinh tế nhìn chung có dấu hiệu khởi sắc nhưng một số ngành tiếp tục gặp khó khăn. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tăng 0,55% so với tháng trước, mức tăng cao nhất trong 6 năm trở lại đây (chủ yếu do tăng giá giao thông 1,72%, dịch vụ ăn uống tăng 0,88%). CPI bình quân 5 tháng đầu năm 2018 so với cùng kỳ năm trước tăng 3,01%.
Thủ tướng:Không tăng giá điện trong năm nay, chỉ điều chỉnh học phí, viện phí nếu điều kiện cho phép ảnh 1 Thủ tướng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VGP
Phát biểu mở đầu phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng tình hình kinh tế-xã hội tháng 5 và 5 tháng qua có nhiều điểm tiến triển tích cực, đáng mừng. Các tổ chức quốc tế đánh giá cao triển vọng kinh tế Việt Nam. Nền kinh tế và các ngân hàng thương mại được cải thiện xếp hạng tín nhiệm. Nhiều địa phương đã năng nổ, chủ động tìm nguồn lực phát triển. 5 tháng, có gần 53.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký bổ sung khoảng 1,4 triệu tỷ đồng.

“Không được chủ quan trong điều hành vì tình hình thế giới biến đổi rất nhanh”, Thủ tướng nói và lưu ý chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tăng 0,55% so với tháng trước, là mức tăng khá cao (chủ yếu do tăng giá xăng dầu, thịt heo hơi).

Theo đó, phải tính toán tổng thể các giải pháp để kiểm soát lạm phát dưới 4% theo chỉ tiêu Quốc hội đưa ra. Thủ tướng cũng nhấn mạnh tinh thần “để lạm phát không quá 4% phải được quán triệt trong điều hành ở mọi cấp, mọi ngành, mọi địa phương”.

Thủ tướng đề nghị không tăng giá điện trong năm nay, chỉ điều chỉnh giá dịch vụ y tế, giáo dục nếu điều kiện cho phép vào thời điểm phù hợp. Cùng với đó, điều tiết lượng cung tiền và chính sách tài khóa phù hợp, không để gây sức ép tăng giá lớn.

Thủ tướng cũng đặc biệt lưu ý tình hình giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp (5 tháng mới đạt gần 29% kế hoạch), trong đó không chỉ các bộ, ngành mà các đầu tàu kinh tế như Hà Nội mới đạt khoảng 30% kế hoạch, TPHCM mới đạt 15% kế hoạch. Đây là một nguyên nhân dẫn đến tăng chi phí, đội vốn, chậm đưa công trình vào hoạt động, ảnh hưởng đến tăng trưởng.

“Có nhiều nguyên nhân, chúng ta cần thảo luận vấn đề này, phải có biện pháp mạnh mẽ hơn”, Thủ tướng cho biết trong khi đi thị sát một số công trình, thấy có bố trí vốn nhưng giải ngân quá chậm “do cách làm”.

Thủ tướng cũng đề nghị tiếp tục đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài bởi kênh FDI cùng với kênh trong nước góp phần quan trọng vào tăng trưởng. Nguồn lực chúng ta có hạn, cần phải kết hợp nhiều kênh cho phát triển, trong đó có kênh FDI. Còn lựa chọn dự án FDI thế nào, mục tiêu, ưu tiên như thế nào thì tới đây Chính phủ sẽ tổ chức hội nghị toàn quốc tổng kết 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài, làm rõ vấn đề này.

Thủ tướng cũng chỉ đạo về việc tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh. Nhiều Bộ tuyên bố cắt giảm thủ tục nhưng còn hình thức, chưa thực chất, vẫn còn khó khăn cho doanh nghiệp, cho môi trường đầu tư mà Nghị quyết 19 đã công bố những chỉ tiêu rất cụ thể nhưng một số cấp, một số ngành chưa quyết liệt.

“Cần tạo môi trường đầu tư tốt hơn, để đạt mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 và doanh nghiệp của chúng ta thay đổi về chất”, Thủ tướng nói.

Tin cùng chuyên mục