Thư viện lưu động

Thư viện lưu động

Xe sách lưu động, thư viện lưu động… là từ để chỉ những chiếc xe tải được chuyển đổi để trở thành những thư viện lưu động, đem sách đến phục vụ bạn đọc ở những vùng sâu, vùng xa, những nơi mà hệ thống thư viện cộng đồng chưa đáp ứng được nhu cầu đọc sách của bạn đọc. Tại TPHCM hiện nay, có 3 xe sách như vậy đang tồn tại với những nét đặc thù riêng.

Thư viện lưu động cho người khiếm thị

Tại Đường sách TPHCM năm 2014, có một khu vực khá đặc biệt thu hút ánh mắt của rất nhiều khách tham quan vì đây là nơi đặt chiếc xe thư viện công cộng dành cho người khiếm thị. Đó là một chiếc xe tải được thiết kế đặc biệt với 2 hàng ghế ngồi cùng các thiết bị điện tử như 4 máy tính nối Internet với hệ thống điều khiển bằng chữ nổi, thông báo phản hồi bằng âm thanh, máy in chữ nổi, sách nói kỹ thuật số, máy đọc sách nói chuyên dụng… và dĩ nhiên không thể không kể đến hàng trăm đầu sách nổi, sách nói các loại.

Xe sách phục vụ thiếu nhi ngoại thành.

Xe sách phục vụ thiếu nhi ngoại thành.

Chiếc xe sách lưu động cho người khiếm thị trên là thành quả từ dự án do Quỹ Force (Hà Lan) phối hợp với Standard Bank tài trợ cho Thư viện KHTH TPHCM thực hiện và đưa vào sử dụng từ năm 2008 đến nay. Không chỉ đơn thuần đưa sách đi các nơi phục vụ người khiếm thị, thư viện lưu động trên còn đóng vai trò đào tạo, tổ chức các điểm phục vụ bạn đọc khiếm thị như huấn luyện sử dụng các thiết bị chuyên dụng, hỗ trợ các thiết bị, các đầu sách nổi, băng ghi âm sách nói… để các thư viện địa phương có thể chủ động phục vụ cho bạn đọc khiếm thị.

Bánh xe tri thức

Bên cạnh thư viện lưu động cho người khiếm thị, Thư viện KHTH TPHCM còn triển khai thư viện số lưu động để phục vụ loại hình đọc sách mới đến các địa phương. Chỉ tính riêng trong năm 2013, thư viện số lưu động này đã phục vụ gần 80.000 lượt bạn đọc với trên 232.000 lượt tài liệu được sử dụng, chủ yếu là phục vụ người dân, học sinh, công nhân các huyện ngoại thành như Cần Giờ, Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn và Nhà Bè.

Tuy nhiên, hiện nay thư viện số lưu động này đã quá tải, với tần suất hoạt động như hiện nay thư viện không thể đáp ứng yêu cầu phục vụ 1 điểm 2 lần mỗi năm mà các địa phương đề nghị, chưa kể việc phát triển hoạt động xuống đến các xã nông thôn mới.

Trong bối cảnh đó, Thư viện KHTH TPHCM đã phối hợp với Quỹ quốc tế Singapore (SIF) thực hiện dự án “Thư viện số lưu động - Bánh xe tri thức” với mong muốn giúp bạn đọc nhất là bạn đọc nhỏ tuổi ở các địa phương có điều kiện tiếp cận những kiến thức mới thông qua sách, Internet. Với vốn đầu tư gần 2,5 tỷ đồng, thư viện số lưu động được xây dựng trên cơ sở một xe tải loại 1,4 tấn, đây là loại xe có kích thước nhỏ, gọn, trọng lượng vừa phải phù hợp với địa hình phục vụ là các xóm, ấp, khu dân cư.

Xe được bố trí thành 3 khu vực gồm khu để sách, khu bố trí máy tính (laptop) và khu bố trí ti vi phục vụ các hoạt động giải trí. Dự kiến trong 3 năm hoạt động, thư viện số lưu động sẽ phục vụ khoảng 144 chuyến đến các trường phổ thông, huyện, xã nông thôn… đáp ứng nhu cầu đọc sách của trên 3.000 trẻ em.

Không chỉ đơn thuần đưa thư viện đến với bạn đọc, dự án còn tổ chức để đưa các tình nguyện viên Singapore đi cùng các chuyến xe thư viện. Các tình nguyện viên này sẽ tham gia mở các lớp giảng dạy thiếu nhi tại các địa phương với nội dung liên quan đến việc tự tin trong giao tiếp, các kỹ năng công nghệ thông tin và các hoạt động giao lưu văn hóa. Ước tính sẽ có 300 tình nguyện viên đến từ Singapore tham gia dự án này.

Xe sách lưu động Fahasa

Đi vào hoạt động lần đầu tiên vào năm 1995, đến nay xe sách lưu động của Công ty cổ phần Phát hành sách TPHCM (Fahasa) đã có gần 20 năm hoạt động và là xe sách lưu động có thâm niên nhất cả nước hiện nay. Tính đến thời điểm này, xe sách đã tới 200 xã tại các tỉnh thành trong cả nước với gần 5.000 chuyến phục vụ vùng sâu, vùng xa, mỗi địa phương xe sách đến đều hoạt động từ 5 đến 7 ngày nhằm phục vụ nhu cầu về sách giáo khoa, sách thiếu nhi, tập và các dụng cụ học sinh cho các em học sinh.

Khác với các thư viện lưu động kể trên, xe sách lưu động Fahasa là một nhà sách di động với mục tiêu hoạt động trên danh nghĩa là bán sách. Tuy nhiên, sau gần 20 năm hoạt động, đối với rất nhiều người dân ở các quận huyện vùng ven TP, bạn đọc ở các tỉnh thành như Cà Mau, Kiên Giang, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai… thì xe sách Fahasa đã trở thành một biểu tượng của thư viện lưu động phục vụ cộng đồng hơn là một xe bán sách thuần túy.

Điều này là do đặc thù của xe chủ yếu nhằm phục vụ bạn đọc những vùng sâu, vùng xa khó khăn không chỉ về giao thông mà còn cả về kinh tế, những nơi chưa có hoặc có rất ít nhà sách. Mà ở những nơi này, nhu cầu đọc sách thì cao nhưng điều kiện để mua sách lại thấp nên xe sách Fahasa đã trở thành một thư viện bất đắc dĩ, là nơi để bạn đọc nhất là bạn đọc nhỏ tuổi đến đọc sách.

Một nhân viên xe sách kể lại, khi phục vụ tại một xã vùng xa của huyện Cần Giờ, dù giờ đóng cửa đã thông báo là 9 giờ tối nhưng đến 10 giờ các em thiếu nhi vẫn vây chặt xung quanh xe để đọc sách. Thậm chí khi tắt đèn để đi nghỉ, các nhân viên xe sách còn phải thề thốt với các em thiếu nhi là ngày mai vẫn còn ở đây thì các em mới chịu về nhà.

Nếu các thư viện lưu động khác mạnh ở vấn đề hỗ trợ xây dựng cơ sở thư viện địa phương thì xe sách Fahasa có một điểm độc đáo rất riêng biệt là lượng sách, hàng hóa cực kỳ phong phú và đầy đủ. Xe sách luôn có các đầu sách mới lạ, hấp dẫn nhất, từ các loại truyện tranh được cập nhật đến các tác phẩm dành cho thiếu nhi, thiếu niên…

Tuy chỉ gói gọn trên 1 chiếc xe tải nhưng xe sách Fahasa vẫn có đến hơn 1.000 tên sách các loại chưa kể các mặt hàng văn phòng phẩm, văn hóa phẩm. Đặc biệt là mỗi khi đến địa phương nào thì các nhân viên phát hành của Fahasa đều điều nghiên nhu cầu để trang bị sách mới và phù hợp với địa phương đó nhất. Đây là điều mà các thư viện lưu động không thể làm được...

TƯỜNG VY

Tin cùng chuyên mục