Thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư phát triển của các tập đoàn nhà nước

Ngày 22-2, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký ban hành Chỉ thị số 07/CT-TTg về đổi mới quản trị, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư phát triển của các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước.

Thủ tướng yêu cầu thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư phát triển của các tập đoàn nhà nước
Thủ tướng yêu cầu thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư phát triển của các tập đoàn nhà nước

Trong thành công chung có sự đóng góp tích cực, quan trọng của doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Tổng doanh thu ước thực hiện năm 2023 của DNNN khoảng 1.652 triệu tỷ đồng, vượt 4% kế hoạch năm 2023; lợi nhuận trước thuế khoảng 125,8 triệu tỷ đồng, vượt 8% kế hoạch năm; đóng góp ngân sách nhà nước khoảng 166 triệu tỷ đồng, vượt 8% kế hoạch năm.

Để tiếp tục phát huy vai trò dẫn dắt, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và thúc đẩy đầu tư phát triển của các DNNN, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các DNNN nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao là quản lý vốn, tài sản của nhà nước tại doanh nghiệp, nhất là trách nhiệm của chủ tịch, tổng giám đốc/giám đốc, người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Khẩn trương triển khai có kết quả và hiệu quả Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025.

Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy mạnh thực hiện các dự án đầu tư lớn, trọng điểm của quốc gia trong các lĩnh vực quan trọng theo chiến lược, kế hoạch được cấp có thẩm quyền và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; tạo tiền đề và động lực quan trọng cho phát triển các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế. Làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư và kịp thời giải ngân vốn đầu tư để đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư. Nghiên cứu, gia tăng đầu tư cho đổi mới sáng tạo, ngành, lĩnh vực mới nổi. Ưu tiên tập trung nguồn lực vào lĩnh vực kinh doanh chính, khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, không hiệu quả…

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và các DNNN tiếp tục phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt của DNNN trong nền kinh tế, bảo đảm DNNN là lực lượng tiên phong dẫn đầu trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phục hồi nền kinh tế. Trong đó, các DNNN đang thực hiện đầu tư, thi công kết cấu hạ tầng, công trình giao thông trọng điểm đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, an toàn trong triển khai thi công các công trình hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia như tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, các đường cao tốc trục Đông - Tây, các trục cao tốc kết nối các vùng kinh tế trọng điểm, góp phần thực hiện mục tiêu Đại hội XIII của Đảng phấn đấu hoàn thành trên 3.000 km đường bộ cao tốc vào năm 2025 và trên 5.000 km đường bộ cao tốc vào năm 2030; đẩy nhanh tiến độ các dự án: Vành đai 4 Vùng thủ đô, Vành đai 3 TPHCM, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Nhà ga hành khách T3 Sân bay Tân Sơn Nhất; sớm hoàn thành nâng cấp các tuyến luồng hàng hải vào cảng Cái Mép - Thị Vải, cảng Nam Nghi Sơn…

Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và đơn vị trực thuộc triển khai kịp thời, hiệu quả Quy hoạch phát triển Điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 (Quy hoạch điện VIII) theo quy định, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, cung ứng đủ điện cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân. Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam cùng các DNNN là doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, tăng khả năng dự báo diễn biến giá thị trường thế giới, chủ động phương án bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho nền kinh tế và giảm thiểu bất lợi do biến động về giá xăng dầu thế giới.

Các DNNN trong lĩnh vực xây dựng phát triển hạ tầng đô thị, nhà ở đô thị đẩy mạnh phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; góp phần triển khai nhanh, hiệu quả Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030", năm 2024 nỗ lực phấn đấu hoàn thành khoảng 130.000 căn hộ.

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ sớm đưa Luật Đất đai vào cuộc sống, khơi thông nguồn lực, phát triển kinh tế-xã hội.

Tin cùng chuyên mục