Thúc đẩy một thế giới hòa nhập hơn

Ngày 2-4 hàng năm là Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ. Chủ đề của ngày này năm nay là “Chuyển từ Sống sót sang Phát triển: Người tự kỷ chia sẻ quan điểm khu vực”, nhằm mục đích thúc đẩy một thế giới cởi mở, hòa nhập hơn cho các cá nhân mắc chứng tự kỷ.

C8c.jpg
Nâng cao nhận thức về thế giới khác biệt của người tự kỷ tại Trung tâm khoa học Singapore. Ảnh: BYKIDO

Con số đáng chú ý

Tự kỷ, hay còn được gọi là chứng rối loạn phổ tự kỷ (ASD) - là một rối loạn phát triển thần kinh đặc trưng bởi sự giao tiếp và tương tác xã hội kém, các hành vi lặp đi lặp lại và rập khuôn.

Những người mắc chứng ASD trải nghiệm thế giới một cách khác biệt và những khác biệt này có thể ảnh hưởng đến cách họ giao tiếp, hành xử, học hỏi và xử lý thông tin giác quan.

Chủ đề Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ năm nay không dừng lại ở việc nâng cao nhận thức về bệnh tự kỷ, mà nó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc giao tiếp, từ việc hiểu về bệnh tự kỷ đến việc tạo ra một môi trường nơi người tự kỷ có thể thực sự phát triển; thừa nhận rằng chứng tự kỷ là một phổ và các cá nhân tự kỷ mang lại những sức mạnh và quan điểm độc đáo cho thế giới.

Ngày này đóng vai trò là bàn đạp cho những hành động tiếp theo, truyền cảm hứng cho các cá nhân và tổ chức tham gia vào nghiên cứu, vận động chính sách và tạo ra một thế giới hòa nhập hơn cho người tự kỷ.

Mặc dù Tổ chức Y tế thế giới ước tính, cứ 100 trẻ em thì có 1 trẻ mắc ASD, nhưng tại nhiều nơi, tỷ lệ trẻ mắc chứng tự kỷ tăng đột biến.

Theo nghiên cứu mới nhất vào năm 2023 của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), cứ 36 trẻ em thì có 1 trẻ được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ, cao hơn 241% so với số liệu thống kê cơ bản năm 2000. Đây là mức tăng so với 1/44 trẻ em cách đây 2 năm. Tại Israel, số người mắc bệnh tự kỷ được ghi nhận trong 2 năm qua đã tăng 41%, lên trên 30.870 người.

Những chiến lược đầu tiên

Nhân dịp này, Chính phủ Australia đã công bố Chiến lược quốc gia đầu tiên về tự kỷ, hoạt động như một kế hoạch trọn đời, với mục tiêu cải thiện chất lượng cuộc sống cho hơn 205.000 người Australia được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ.

Theo đó, các nhà tuyển dụng sẽ được khuyến khích tuyển dụng nhân viên tự kỷ, các công ty được thúc đẩy đưa người tự kỷ vào ban lãnh đạo cấp cao, chuẩn hóa các nguồn lực chẩn đoán và đánh giá tình trạng tự kỷ trên toàn Australia.

Tham gia phát triển chiến lược này, dự kiến bắt đầu triển khai kế hoạch hành động cuối năm 2024, có Hội đồng giám sát Chiến lược quốc gia về tự kỷ, một nhóm chuyên gia do chính phủ thành lập, đặc biệt bao gồm phần lớn các thành viên mắc chứng tự kỷ. Đây là bước đầu tiên trong một hành trình dài hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn cho những người tự kỷ.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Phúc lợi xã hội Israel Yaakov Margi cho biết, chính phủ nước này đang tích cực triển khai Luật Phúc lợi dành cho người tàn tật, nhằm đưa Israel trở thành một trong những quốc gia đi đầu giúp họ hòa nhập vào cộng đồng và cung cấp các dịch vụ chăm sóc cho người tàn tật.

Israel có chính sách tầm soát bệnh tự kỷ cho toàn dân và ban hành nhiều ưu đãi cho người bị mắc chứng bệnh này, trong đó có việc chăm sóc và điều trị tại một trung tâm nhất định, được ưu đãi về chỗ ở, việc làm và giải trí. Một trẻ tự kỷ dưới 18 tuổi mỗi tháng được nhận trợ cấp 3.000 NIS (khoảng 830 USD).

Tin cùng chuyên mục