Thúc đẩy sử dụng công nghệ để tự chăm sóc sức khỏe

Singapore đã thay đổi chiến lược chăm sóc sức khỏe người dân theo hướng chăm sóc phòng ngừa, với mục tiêu giúp người dân nước này chủ động tự quản lý, theo dõi sức khỏe của bản thân.
Tình nguyện viên hướng dẫn cụ Pauline Tong sử dụng các ứng dụng chăm sóc sức khỏe
Tình nguyện viên hướng dẫn cụ Pauline Tong sử dụng các ứng dụng chăm sóc sức khỏe

Cụ bà Pauline Tong, 76 tuổi, là một trong số 190.000 người cao tuổi đang được Cơ quan Phát triển truyền thông Infocomm (IMDA) của Singapore dạy các kỹ năng cơ bản về kỹ thuật số. Đây là một phần trong chiến lược chăm sóc sức khỏe người dân Singapore, giúp người dân nước này có thể sử dụng các ứng dụng chăm sóc sức khỏe trên điện thoại để tự quản lý, theo dõi sức khỏe của chính mình.

Bernard Wan, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc người cao tuổi St. Luke’s ElderCare, cho biết, các tình nguyện viên tại đây luôn khuyến khích người cao tuổi sử dụng công nghệ hàng ngày bằng cách đơn giản hóa việc sử dụng.

“Chúng tôi cố gắng kết hợp, ứng dụng các thiết bị kỹ thuật số nhiều nhất có thể vào các chương trình chăm sóc của trung tâm. Ví dụ, nếu người cao tuổi tham gia vào một lớp học nấu ăn, chúng tôi muốn họ tự tải xuống các công thức nấu ăn hoặc có thể tổ chức một học phần qua ứng dụng Zoom. Những hoạt động này sẽ giúp họ sử dụng các kỹ năng một cách liên tục”, Bernard Wan nói.

Dù các trung tâm tuổi già năng động (ACC) như St. Luke’s ElderCare đang đóng một vai trò lớn hơn trong việc thu hút người lớn tuổi quan tâm đến công nghệ, việc tiếp cận những người lớn tuổi sống một mình cũng rất quan trọng trong chiến lược chăm sóc phòng ngừa. Cô Maggie Chan, một tình nguyện viên chương trình ElderAid của Hội Chữ thập đỏ Singapore, cho hay, người cao tuổi có thể không biết cách sử dụng các ứng dụng, ngay cả khi chúng hữu ích và dễ tìm kiếm, do không có người giới thiệu và hướng dẫn họ. Như bà Ho Seh Moh, không hề biết đến các ứng dụng chăm sóc sức khỏe cho đến khi một tình nguyện viên nói cho bà biết.

Các “đại sứ Thế hệ Bạc”, những tình nguyện viên được Cơ quan Chăm sóc tích hợp (AIC) chỉ định, có thể giúp khỏa lấp khoảng trống này. Họ có nhiệm vụ thông báo cho người cao tuổi về các chính sách liên quan đến chăm sóc sức khỏe cũng như dạy họ những kỹ năng về kỹ thuật số. AIC cũng đang hợp tác với các nhóm như Youth Corps Singapore để tuyển thêm các tình nguyện viên giúp đỡ người cao tuổi.

Bà Jacqueline Au Yong, Trợ lý giám đốc về quản lý tình nguyện viên tại Văn phòng Thế hệ Bạc của AIC, cho biết: “Với việc tập trung vào sức khỏe phòng ngừa, chúng tôi đã thực sự thay đổi hoặc chuyển đổi phương thức tiếp cận cộng đồng thành các chuyến thăm khám sức khỏe phòng ngừa. Thông qua những chuyến thăm này, các đại sứ của chúng tôi thực sự thu hút sự quan tâm của những người cao tuổi bằng cách chia sẻ với họ những thông tin về các chương trình chăm sóc sức khỏe tích cực đối với người cao tuổi, giúp họ có thể sống khỏe, sống vui với tuổi già”, bà Jacqueline Au Yong nói.

Tuy nhiên, còn một rào cản đối với những người cao tuổi như bà Ho She Moh khi sử dụng các ứng dụng, đó là ngôn ngữ. “Để thăm khám tại Bệnh viện đa khoa Changi, bạn phải tự đặt lịch hẹn. Tôi có thể tự làm việc này bởi các hướng dẫn đều dùng tiếng phổ thông. Tuy nhiên, các ứng dụng chăm sóc sức khỏe đều bằng tiếng Anh và điều này thực sự khó khăn với tôi”, bà Ho She Moh cho biết.

Kênh CNA dẫn một thống kê cho biết, dù Singapore đang phải đối mặt với thực trạng già hóa dân số, nhưng hiện mới chỉ có 1/5 số người trên 55 tuổi ở đảo quốc sư tử sử dụng các ứng dụng chăm sóc sức khỏe như HealthHub.

Tin cùng chuyên mục